Mới đây, Vinfast đã phát ra thông báo tăng giá trên hai dòng sản phẩm xe hơi của hãng là Vinfast Lux 2.0 (phân khúc sedan hạng D) và Vinfast Lux SA2.0 (dòng SUV 7 chỗ).
Đây là bước đi khá ngược so với thị trường xe hơi thời điểm cuối năm, vốn đang ghi nhận nhiều ưu đãi khuyến mại giảm giá xe để kích cầu tiêu dùng.
Cụ thể với sự thay đổi giá mới, Vinfast Lux A2.0 sẽ có giá từ 1,099 -1,337 tỷ đồng; Vinfast Lux SA2.0 có giá mới 1,530 -1,803 tỷ đồng; riêng Vinfast Fadil sẽ không có sự điều chỉnh giá.
Nhỉnh hơn xe Hàn - Nhật, hạ hơn xe Âu
Là một nhà sản xuất xe hơi non trẻ, Vinfast dường như sẽ không đặt mình ở phân khúc xe giá rẻ bình dân, thậm chí hãng còn định hình thương hiệu ở tầm giá nhỉnh hơn so với các dòng sản phẩm thuộc các hãng Nhật và Hàn như Honda, Toyota, Huyndai, Kia v.v
Cụ thể với mức giá 1,5 tỷ đồng – 1,8 tỷ đồng của Lux SA2.0 (dòng SUV 7 chỗ), cao hơn so với các sản phẩm cùng phân khúc như Honda CR-V, Toyota Fortuner, Huyndai Santafe, Kia Sorento. Thậm chí, bản cao cấp của Lux SA2.0 còn cao hơn dòng GLC 200 (thuộc dòng compact SUV) của nhà sản xuất Mercedes-Benz vốn đang được định giá từ 1,7 tỷ đồng.
Dòng SUV 7 chỗ có giá thành nhỉnh hơn thị trường của Vinfast (Nguồn: tổng hợp) |
Đối với dòng Fadil (cạnh tranh trong phân khúc xe nhỏ hạng A) và Lux 2.0 (phân khúc sedan hạng D) của Vinfast cũng đang có mức giá nhỉnh hơn hoặc bằng so với các đối thủ cùng phân khúc thuộc các thương hiệu xe Hàn hoặc Nhật trên thị trường.
Tuy vậy, so với các thương hiệu xe sang châu Âu như Mercedes-Benz hay BMW, giá xe Vinfast có phần hạ hơn.
Tăng giá nhưng vẫn lỗ
Đại diện của Vinfast cho biết thời gian qua đã chịu lỗ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng trên các mẫu xe hơi bán ra. Cụ thể khoảng 267 triệu đồng với Lux A, 153 triệu đồng với Lux SA và 61 triệu đồng với Fadil.
Đây cũng là lý do Vinfast quyết định điều chỉnh tăng giá sản phẩm. Tuy nhiên dù tăng giá, đại diện Vinfast cho biết hãng vẫn sẽ bù lỗ cho mỗi chiếc xe bán ra.
Đối với việc định giá xe, Vinfast cho biết đang kiên trì với chính sách "3 Không" bao gồm: không khấu hao, giá không tính lãi và không tính chi phí tài chính. Giá bán ra của sản phẩm chỉ đúng bằng giá thành sản phẩm cộng với chi phí bán hàng.
Để chứng minh cho luận điểm của mình mới đây Vinfast đã công bố cơ cấu giá thành của các sản phẩm xe hơi. Theo đó hãng vẫn đang chịu khoảng 11.000 tỷ đồng chi phí khấu hao và chi phí tài chính đầu tư vào nhà máy, các khoản lãi vay đầu tư… nhằm mục đích đưa đến mức giá tốt cho thị trường, kiên trì với chính sách giá “3 không” kể trên.
Nhà sản xuất xe hơi Việt Nam mới đây cũng đưa ra một chiến lược trợ giá cho khách hàng vay mua xe, bao gồm miễn phí lãi vay mua xe trong hai năm đầu và trợ lãi thả nổi trong các năm tiếp theo.
Như vậy, mặc dù tăng giá bán nhưng Vinfast vẫn chứng minh rằng: khách hàng đang được hưởng những ưu đãi giá rất tốt.
Chịu lỗ để lôi kéo sự chú ý của khách hàng, chấp nhận lỗ vốn khởi điểm là phương pháp mà nhiều doanh nghiệp mới lựa chọn. Sau một khoản thời gian dài, khi thương hiệu ổn định và mặt danh tiếng, chất lượng, công ty sẽ bắt đầu nâng giá.
Lộ trình tăng giá tạo tâm lý khan hiếm?
Việc nâng giá Lux A2.0 và SA2.0 mởi đây được xem là động thái chia nhỏ lộ trình tăng giá ban đầu của VinFast. Dựa theo lộ trình mà hãng công bố năm trước, dự kiến thương hiệu ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh giá bán cao hơn trong thời gian sắp tới.
VinFast cho biết việc công khai lộ trình giá sản phẩm thể hiện tinh thần minh bạch và cam kết nghiêm túc với khách hàng; đồng thời tạo điều kiện để khách hàng chủ động chọn thời điểm mua xe hợp lý nhất
Đây có thể coi như một chiến thuật thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm trong giai đoạn vẫn đang được công ty trợ giá bán, tạo tâm lý khan hiếm. Tuy nhiên, việc tạo tâm lý khan hiếm ở một thị trường đang có nhiều sản phẩm cạnh tranh về cả thương hiệu, chất lượng và giá cả sẽ là những thách thức lớn của hãng sản xuất xe hơi Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hãng xe hơi ngoại vốn đã có bề dày lịch sử, có khách hàng trung thành, trong khi đó để chứng minh độ bền bỉ của một chiếc xe sẽ cần khá nhiều thời gian. Hiện tại, tính từ thời điểm Vinfast chào bán các sản phẩm xe hơi, thời gian cũng chỉ trong khoảng 1 năm.
Trong một khía cạnh khác, từ bảng cơ cấu giá thành mà Vinfast công bố, các dòng sản phẩm của hãng đang chịu một khoản lớn từ thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó là các khoản phí nhập khẩu linh kiện. Trong thời gian tới, nếu hãng được hưởng các ưu đãi về thuế cũng như nội địa hóa thêm được nhiều linh kiện, rút ngắn quy trình sản xuất cũng có thể giúp Vinfast tính lại bài toán giá cả./.