Hiện nay mỗi lít xăng cõng hơn 11.000 đồng tiền thuế và các chi phí khác. |
Theo chu kỳ 15 ngày tính giá cơ sở xăng dầu, hôm nay (11-3), liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ tính toán lại giá để đưa ra phương án điều hành. Trước đó, vào ngày 24-2, ngày điều hành gần nhất, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đầu mối giữ nguyên giá bán lẻ trong nước và xả quỹ bình ổn giá; mặc dù tại thời điểm đó giá thế giới tăng mạnh khiến bán lẻ xăng dầu thấp hơn giá cơ sở 1.900-2.500 đồng/lít.
Theo giá dầu thế giới cập nhật ngày 10-3, dầu WTI tăng giá, tái lập mốc 50 USD/thùng sau phiên lao dốc vào thứ Sáu tuần trước do tác động từ đồng USD mạnh và đà tăng nguồn cung của Mỹ. Thế nhưng giá các mặt hàng thành phẩm vẫn tăng đều và đã tiến tới ngưỡng 73-74 USD/thùng, cao hơn nhiều so với bình quân 15 ngày trước đó ở mức 67-68 USD/thùng. Như vậy với mức giá này, giá xăng cơ sở sẽ dao động gần 19.000 đồng/lít, cao hơn giá bán lẻ khoảng 3.330 đồng/lít. Đây là một áp lực lớn đối với cơ quan điều hành giá, nếu tăng giá theo giá thế giới, giá trong nước sẽ tăng rất mạnh.
Liệu đến thời điểm này giá xăng dầu trong nước sẽ tăng mạnh hay chưa?
Tăng 300% thuế nhưng giá bán lẻ ít ảnh hưởng?
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua đề xuất của Chính phủ về tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít tại phiên họp lần thứ 36, ngày 10-3.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc tăng thuế này cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước và DN, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm. “Trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng lên thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 20%” - ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ cam kết khi thực hiện điều chỉnh tăng thuế BVMT sẽ thực hiện giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về một mức là 20% để đảm bảo không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu”.
Phải tăng nhưng tăng sốc hay tăng từ từ?
Tuy nhiên, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá thế giới phục hồi tăng sẽ ảnh hưởng đến giá trong nước. Theo đó, tăng giá xăng dầu là điều bất khả kháng vào thời điểm này. Tuy nhiên, chọn phương án nào là vấn đề cần cân nhắc. Theo ông Long, có ba kịch bản cho cơ quan quản lý chọn lựa. Thứ nhất, đồng ý cho DN xả quỹ bình ổn để giữ giá như lần trước đó (2.500 đồng/lít). Với cách này, nguồn quỹ sẽ dần cạn kiệt trong vòng hai tháng bởi giá thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Thứ hai, giá xăng dầu sẽ tăng mạnh theo giá thế giới. Thứ ba là áp dụng phương án vừa tăng giá ở mức độ vừa phải kết hợp xả quỹ bình ổn mức hợp lý, tránh cú sốc cho nền kinh tế.
Ông Long cho rằng nếu Bộ Công Thương chọn phương án thứ ba sẽ chia sẻ được lợi ích các bên, đó là con đường tối ưu nhất bởi như thế người tiêu dùng sẽ chịu một phần do quỹ bình ổn được trích ra từ trước. “Giá xăng dầu chỉ nên tăng giá ở mức 1.200-1500 đồng/lít, cộng với mức xả quỹ bình ổn hợp lý sẽ là sự lựa phù hợp cho cả DN và người tiêu dùng” - ông Long tính toán.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một DN xăng dầu lớn cho rằng trong hai lần điều hành trước đó, liên bộ Công Thương - Tài chính đã kìm giá để giữ ổn định giá cả thị trường dịp tết, thay vào đó cơ quan điều hành cho DN xả quỹ bình ổn với mức khá cao. Phương án điều hành này chỉ là nhất thời bởi về lâu dài nếu cứ tiếp tục dùng quỹ sẽ dẫn đến cạn nguồn. Trong khi đó, thuế nhập khẩu vẫn neo ở mức gần kịch trần. Do vậy với đà tăng của giá thế giới, dự báo cơ quan quản lý sẽ phải cho phép DN tăng giá bán để không bị lỗ. “Mức tăng cụ thể phải chờ liên bộ quyết định trong hôm nay” - lãnh đạo DN này chia sẻ.
Đảm bảo nguồn thu ngân sách nhưng phải trả cho môi trường
Tại phần giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay lý do của việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu là để góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trong điều kiện giá dầu thô liên tục giảm. Cùng với tăng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay, dầu các loại và mỡ nhờn sẽ tăng lên gấp ba lần, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2015 dự kiến tăng lên khoảng 26.000 tỉ đồng. Cùng với đó, góp phần giảm giá bán đối với nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10) để khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học. Mặt khác, việc tăng thuế này nhằm giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc tăng thuế đối với xăng dầu như vậy rõ ràng là có ảnh hưởng đến sản xuất và người dân. “Thuế BVMT là một loại thuế thu trực tiếp vào hàng hóa sử dụng gây tác hại xấu đến môi trường. Việc thu này là để ta có khoản chi để khắc phục những tác động xấu của hàng hóa đó cho môi trường. Nếu vì khó khăn kinh tế mà ta tăng thu đối với loại thuế này là chưa hợp lý” - ông Lưu nói.
“Việc tăng thu này là để BVMT mà không phải là cho việc khác. Nếu lấy số tiền này để chi cho việc khác là không được. Môi trường đang như thế này, có ném vào đây rất nhiều tiền thì cũng chưa đâu vào đâu” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình.
Theo TS Ngô Trí Long, việc lý giải tăng thuế BVMT để bù đắp phần thiếu hụt từ thuế nhập khẩu nhằm đảm bảo không thất thu là chưa thuyết phục bởi mỗi loại thuế có đặc điểm riêng và mục tiêu khác nhau. “Thuế BVMT có từ năm 2012 với mục tiêu về môi trường như các nước khác nhưng Bộ Tài chính lại lấy cớ vì thuế nhập khẩu giảm nên phải tăng thuế môi trường là sai mục đích. Mặt khác, xăng dầu theo giá thế giới hằng ngày, trong khi mỗi lần điều chỉnh thuế môi trường đều phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này sẽ cản trở việc điều hành giá trong nước; do vậy thuế BVMT với xăng dầu cần có lộ trình lâu dài và tăng ở mức vừa phải” - ông Long nêu quan điểm.
Theo PLTP