Giá vàng hôm nay (12/7): Tây trôi, Ta rớt

VietTimes – Quy đối theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 700 nghìn đồng một lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chốt phiên giao dịch đầu tuần (Thứ Hai ngày 11/07), giá vàng giao tháng Tám trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile khẽ giảm $1,80 (-0,1%) xuống đóng cửa ở $1.356,60/oz, sau khi đã đứng trên mốc $1.360/oz trong phần lớn thời gian giao dịch.

Trong khi, giá bạc giao Tháng Chín vẫn tăng 20,5 cents (+1%) lên chốt ở $20,304/oz – cao nhất kể tử tháng 8/2014.

Còn trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 8h28’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.353,51/oz.

Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.353,20/oz.

Diễn biến giá vàng hôm nay ở thị trường châu Á.

Về diễn biến thị trường, giá vàng phiên 11/7 giảm khi chứng khoán tăng điểm sau số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự đoán và triển vọng kích thích tiền tệ, USD tăng.

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ chốt phiên tăng điểm kỷ lục. Chỉ số ICE Dollar đo tỷ giá của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ tăng 0,3%. Hai yếu tố này chèn ép đà hồi phục của giá kim loại quý.

Về mặt lý thuyết, việc trái phiếu Mỹ lập đỉnh mới và báo cáo việc làm phi nông nghiệp tốt hơn dự đoán của Mỹ đã làm tăng tỷ lệ dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay. Theo số liệu của CME FedWatch, tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất vào tháng 12 hiện là 24%.

Thị trường đang theo dõi sát sao các phát biểu của quan chức Cục dự trữ liên bang (Fed) trong tuần này, cũng như Sách Vàng kinh tế của Ngân hàng Trung ương.

Tuy vậy, phát biểu trên Market Watch, ông Chintan Kamani, trưởng bộ phân phân tích thị trường tại Insignia Consultants vẫn cho rằng, niềm tin nhà đầu tư và các dấu hiệu kỹ thuật đang có lợi cho giá vàng và bạc. Song từ giờ đến cuối tháng, yếu tố tác động mạnh nhất lên giá kim loại quý là kế hoạch rời Liên minh châu Âu của Anh. Và giá vàng có thể điều chỉnh mạnh trong bối cảnh thiếu vắng các tin tiêu cực từ Brexit.

Theo số liệu của Ủy ban giao dịch hợp đồng hàng hóa tương lai, số vị thế mua khống hợp đồng vàng kỳ hạn ròng đạt mức kỷ lục 273.100 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 5/7. Chỉ trong 5 tuần vừa qua, số hợp đồng mua khống ròng vàng đã tăng tới 84%.

Diễn biến giá vàng SJC 7 ngày qua.

Còn tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Ba ngày 12/7), giá vàng SJC tiếp tục hạ thấp.

Cụ thể, đến thời điểm 8h40’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,70 – 37,30 triệu đồng/lượng (MV-BR), giảm 200 nghìn đồng mỗi chiều so với chốt phiên trước đó.

Trong khi, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC lại chỉ được Tập đoàn điều chỉnh giảm 50 nghìn đồng chiều bán và 100 nghìn đồng chiều mua về yết ở 36,90 – 37,20 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 400 nghìn đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,90 – 37,13 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 36,16 – 36,61 triệu đồng/lượng (MV-BR).

Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đối theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 700 nghìn đồng một lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).

X.T