Giá thịt lợn giảm tác động mạnh đến CPI tháng 5/2017

VietTimes -- Có 4/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có CPI tháng 5 giảm so với tháng trước, trong đó nhóm thực phẩm giảm 2,27% do giá thịt lợn giảm mạnh, tác động làm CPI tháng 5 giảm 0,51% so với tháng 4/2017.
Nhóm thực phẩm có CPI tháng 5/2017 giảm 2,27%, tác động làm CPI giảm 0,51% so với tháng trước.
Nhóm thực phẩm có CPI tháng 5/2017 giảm 2,27%, tác động làm CPI giảm 0,51% so với tháng trước.

Tổng cục thống kê (GSO) vừa công bố tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2017. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dùng tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng trước. Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên CPI tháng 5 giảm so với tháng trước đó.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ thống kê Giá, Tổng Cục thông kê cho biết, nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giảm có tác động không nhỏ từ chỉ số giá nhóm thực phẩm, chủ yếu mức giảm đến từ nhóm thực phẩm tươi sống.

Cụ thể, giá thịt lợn trên thị trường giảm 9,94% so với tháng trước, nguyên nhân bởi nguồn cung tăng mạnh trong khi thương lái Trung Quốc hạn chế mua trong thời gian kéo dài. Điều này khiến chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 5/2017 giảm 2,27%, tác động giảm CPI chung khoảng 0,51% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, đại diện GSO cho biết có 3/11 nhóm hàng hóa dịch vụ khác có CPI tháng 5/2017 giảm so với tháng 4/2017, bao gồm:  nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,43%, giao thông giảm 0,34%, bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.

Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa, dịch vụ có CPI tăng nhẹ, bao gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.

Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,37 % so với tháng 12/2016 và tăng 3,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Nói về diễn biến chỉ số giá USD và giá vàng trong nước, Vụ phó Vụ thống kê Giá, Tổng cục thống kê cho rằng, những bất ổn từ tình hình chính trị trên thế giới khiến giá USD liên tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, tuy đã ngừng giảm nhưng giá USD bình quân ở thị trường tư do trao đổi ở mức 22.600-22.700 VND/USD.

Đối với giá vàng, giá vàng trong nước cũng chịu sực tác động của giá vàng thế giới, bình quân giá vàng trong nước giảm 0,1% so với tháng trước và dao động quanh mức 3,6 triệu đồng/chỉ vàng SJC. Bà Ngọc phân tích, giá vàng quốc tế sau khi tăng mạnh trong tháng Tư đã giảm trong tháng Năm, nguyên nhân là do hai đảng của Mỹ đạt được thỏa thuận về ngân sách hoạt động trị giá 1.000 tỷ USD giúp chính phủ Mỹ hoạt động đến 30/9 và khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng. Ngoài ra, “kết quả của cuộc bầu cử Thủ tướng Pháp và thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất sớm cũng làm cho giá vàng thế giới giảm”- Đại diện GSO thông tin.