Giá điện 'luôn đảm bảo lợi ích EVN'

Đó là nhận định của nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia trong lĩnh vực điện tại hội thảo “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” diễn ra hôm qua (16.10).
Chính sách giá điện, biểu giá điện còn nhiều bất cập - Ảnh: Ngọc Thắng
Chính sách giá điện, biểu giá điện còn nhiều bất cập - Ảnh: Ngọc Thắng

Hội thảo do Hiệp hội Các hội khoa học kỹ thuật VN (Vusta) tổ chức và các nhà khoa học đã mổ xẻ chi tiết những bất hợp lý của dự thảo các phương án về biểu giá điện.

Chưa công bằng với người tiêu dùng

Theo tiến sĩ Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững VN, biểu giá điện do EVN đưa ra lấy ý kiến ở các hội thảo vừa qua vẫn là một bản nghiên cứu giản đơn, nặng về phục vụ lợi ích cho nhà sản xuất mà chưa thể hiện đầy đủ khía cạnh đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa sản xuất và tiêu dùng. 3 phương án đưa ra còn phiến diện, chưa đủ căn cứ khoa học đối với người làm chính sách.

Các phương án, theo tôi đều có cái dở. Phương án giữ nguyên biểu giá điện hiện hành thì không ổn vì nó quá bất cập, người tiêu dùng phản ứng. Phương án một mức giá thì thuận tiện cho người bán nhưng không khuyến khích tiết kiệm điện. Phương án giảm 6 bậc thang còn 3 - 4 bậc có vẻ hợp lý hơn nhưng cơ sở khoa học cho thấy đảm bảo sự hài hòa về lợi ích với người tiêu dùng cũng chưa rõ ràng - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng

Cũng theo ông Ngô Đức Lâm, cái thiếu công bằng lớn nhất qua biểu giá điện mà EVN dự thảo là vẫn bảo vệ nguyên vẹn lợi ích của EVN trong mọi tình huống, qua đó khó có sự thỏa mãn của các hộ tiêu dùng. Có một số điểm EVN cần làm rõ hơn với biểu giá này như: vì sao áp dụng biện pháp hạn chế sử dụng điện với người tiêu dùng mà chưa thấy biện pháp bắt buộc tiết kiệm với ngành điện như tiết kiệm điện tự dùng và giảm tổn thất truyền tải. EVN cũng chưa giải quyết thấu đáo, có cơ sở khoa học cho 2 vấn đề: giá theo cơ chế thị trường và giá để khuyến khích tiết kiệm điện; chưa xử lý triệt để nhược điểm của phương án giá điện lũy tiến, làm sao khắc phục được những tồn tại như ghi số không chính xác, công tơ chạy sai...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng việc đặt ra 3 phương án biểu giá điện nhưng vẫn phải đảm bảo doanh thu cho EVN nên không có nhiều ý nghĩa. “Các phương án, theo tôi đều có cái dở. Phương án giữ nguyên biểu giá điện hiện hành thì không ổn vì nó quá bất cập, người tiêu dùng phản ứng. Phương án một mức giá thì thuận tiện cho người bán nhưng không khuyến khích tiết kiệm điện. Phương án giảm 6 bậc thang còn 3 - 4 bậc có vẻ hợp lý hơn nhưng cơ sở khoa học cho thấy đảm bảo sự hài hòa về lợi ích với người tiêu dùng cũng chưa rõ ràng”, ông Hùng nêu ý kiến.

Còn theo ông Đỗ Tiến Hùng, đại diện Hiệp hội Năng lượng VN, biểu giá điện hiện nay chỉ cần 2 bậc. Bậc một là giá điện cho người thu nhập thấp; bậc 2 cho người có thu nhập khá và thu nhập cao: cứ trên 100 kWh chẳng hạn, đồng giá 1.800 đồng/kWh thì ai cũng nhớ và dễ tính, dễ ghi. Trong khi đó, PGS Nguyễn Minh Duệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, lại cho rằng biểu giá lũy tiến vẫn nên áp dụng và cũng không quan trọng ở mấy bậc mà vấn đề áp giá cho từng bậc, xác định mức giá điện bình quân cho hợp lý.

Triệt tiêu động lực giảm giá thành

Các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cho rằng cùng với việc điều chỉnh phương án giá điện trong biểu giá cho hợp lý, cần phải có những sửa đổi chính sách về điện lực hiện nay vì các chính sách hiện hành đang nghiêng về EVN mà không bảo vệ đầy đủ lợi ích của người tiêu dùng. Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững VN, nói: “Hiện nay luật Giá, luật Điện lực hình thành cơ chế, trao quyền cho DN rất thoáng, có lợi cho EVN. Hai luật này và nhiều nghị định, thông tư dưới luật cho phép DN như EVN được tự định giá, đảm bảo doanh thu có lợi nhuận, được điều chỉnh giá khi đầu vào có thay đổi nên kiểu gì cũng có lãi. Từ đó triệt tiêu động lực phấn đấu, giảm giá thành, tính minh bạch bị hạn chế”.

Dẫn ra nhiều ví dụ như ngoài khấu hao và định mức lương do nhà nước quy định, nhiều chi phí hoàn toàn do EVN tự quyết, ông Lâm cho rằng chính sách như vậy sẽ có lợi cho bên sản xuất (EVN), ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành điện. “Ví dụ như hiện nay, hiệu suất các nhà máy nhiệt điện giảm quá nhanh từ 39% nay chỉ còn 32% với các nhà máy đã vận hành trong 10 năm (khảo sát của Viện Năng lượng VN); chi phí vận hành, sửa chữa các nhà máy điện tăng so với quy định; tổn thất truyền tải điện còn lớn (tăng lên trên 9% năm 2014)...”, ông Lâm nói. Do đó, theo chuyên gia này: “Cần nghiên cứu lại chính sách giá điện cho phù hợp với cấp độ thị trường. Khi cơ chế thị trường còn chưa có thì quyền của EVN đến đâu, nhất là cơ chế tự định giá phải hạn chế”.

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ môi trường của Quốc hội, ông Lê Hồng Tịnh, cũng cho rằng tổn thất điện năng hiện nay còn lớn nên ảnh hưởng không nhỏ đến giá điện. “Để giải quyết vấn đề này, có nên giải quyết theo hướng giảm độc quyền không, như tách điều hành hệ thống ra vì nếu để EVN giữ điều độ thì khó cạnh tranh”, ông Tịnh nêu vấn đề.

Tại hội thảo, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương, ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia để tổng hợp, điều chỉnh biểu giá điện, chính sách giá điện hợp lý nhất trước khi trình Bộ Công thương, Chính phủ thông qua.

Cần tổ chức lại ngành điện

Theo ông Phạm Thế Minh, chuyên gia của Vusta, có những điều không rõ ràng như vì sao nhiều lúc giá nhiên liệu đầu vào giảm, nhà nước yêu cầu giá cước vận tải phải giảm nhưng giá điện lại không giảm. Hiện sản xuất điện đã nhiều người bán nhưng thị trường điện chưa phát triển được là kéo lùi sự phát triển. Ta cứ nhùng nhằng mãi điểm này. Nên tổ chức lại ngành điện, những nhà máy điện vừa và nhỏ thì nên bán, cho thuê... để quản lý hiệu quả hơn.

Theo Thanh NIên