Giá dầu tụt dốc: Được, mất của kinh tế Việt Nam

Ngày 24/8, giá dầu thô tại Mỹ tiếp tục giảm sâu xuống dưới 40 USD/thùng, điều này được các chuyên gia kinh tế trong nước chỉ ra rằng sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam cả mặt tích cực và tiêu cực.
Giá dầu thô giảm sâu xuống dưới 40 USD/thùng vào hôm qua (24/8).
Giá dầu thô giảm sâu xuống dưới 40 USD/thùng vào hôm qua (24/8).

Trong phiên giao dịch chiều 24/8,giá dầuthô WTI (West Intermediate Texas) của Mỹ giao tháng 10 giảm 1,29 USD xuống còn 39,16 USD/thùng, trong khi đó dầu Brent giảm 1,19 USD xuống còn 44,27 USD/thùng. Đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua.

Kịch bản giá dầu xuống dưới mức 40 USD/thùng đã từng được Chính phủ và lãnh đạo 4 cơ quan lớn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi đầu năm và quan điểm chung đều cho thấy giá dầu càng giảm bao nhiêu những xáo trộn đối với đời sống kinh tế, xã hội càng lớn bấy nhiêu.

Đánh giá tác động của giá dầu đến thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh từng cho biết, nếu giá dầu giảm đi 1 USD/thùng Việt Nam mất gần 1.000 tỷ đồng, nếu chạm ngưỡng 40 USD/thùng Việt Nam sẽ giảm thu gần 70.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dotăng trưởng kinh tếvà tiền đóng thuế có thể bù đắp cho khoản hụt thu này nên Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đưa ra tính toán, khi giá dầu ở mức 40 USD/thùng ngân sách sẽ hụt thu khoảng 11.500 tỷ đồng.

Trong khi đó tác động đến tăng trưởng kinh tế nếu dầu thô ở mức 40 USD/thùng được nêu ra là sẽ giảm 0,56 điểm % so với dự kiến tương đương mức 5,2% do dự kiến là 6,2%.

Được, mất của Việt Nam

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế (CIEM) cũng đưa ra phân tích, giá dầu giảm mạnh tác động tiêu cực và tích cực đến kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, về tác động tiêu cực, TS. Doanh cho rằng, giá dầu giảm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chắc chắn sẽ giảm thu và thu ngân sách dự kiến thu được từ dầu thô cũng giảm mạnh.

Thứ 2, giá dầu giảm giá than cũng sẽ giảm và không thể duy trì giá than xuất khẩu ở mưc cao nên ngành Than - Khoáng sản cũng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, mặt tích cực được ông Doanh chỉ ra do Việt Nam nhập khẩu xăng dầu cao hơn so với xuất khẩu dầu thô, ngoài ra các mặt hàng như phân bón, chất dẻo, sợi, các nguyên vật liệu từ dầu… nên theo tính toán của Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới Việt Nam là nước có lợi so với các nước khác chỉ sống bằng dầu như Venezuala (96% thu từ dầu khí), Nga hoặc Ả-rập-xê-út.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM (bên trái), chuyên gia Kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong (bên phải)

"Theo tính toán Việt Nam sẽ có lợi từ 2-3% GDP, phụ thuộc vào việc Việt Nam có tranh thủ nguồn dầu nhập khẩu và từ việc giá dầu giảm, lạm phát Việt Nam cũng sẽ thấp. Bằng chứng là lần đầu tiên tháng 8, chỉ số cả cả (CPI) ở mức -0,07%, đóng góp lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và giảm lạm phát. Tạo điều kiện để lãi suất ngân hàng có thể giảm và lạm phát thấp dưới 2,5% thậm chí dưới 2%", ông Doanh phân tích.

Tuy nhiên, ông Doanh cũng nhấn mạnh, trước yêu cầu bù vào khoản thu từ bán dầu sụt giảm nên thời gian qua Bộ Tài chính phát huy nhiều "sáng kiến" như tăng thuế bảo vệ môi trường lên 300%, bắt đầu nâng phí đường bộ, đề xuất nâng giá cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô… các khoản tăng thu nội địa làm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn trong khu vực làm giảm năng lực cạnh tranh về giá.

"Những yếu tố trên là yếu tố bất lợi trong bối cảnh tới đây Cộng đồng Kinh tế ASAEN (AEC) có hiệu lực, doanh nghiệp Việt có khả năng thua ngay trên sân nhà", ông Doanh cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho biết tác động tích cực khi dầu thô giảm thông qua động thái cụ thể là tiêu thụ xăng dầu tăng, chỉ số giá tiêu dùng CPI thấp, lạm phát cơ bản 7 tháng 2,2%.

Ông Phong cũng cho hay, xét tổng thể, tháng 1 và 8 giá dầu của Singapore không thay đổi Việt Nam thay đổi và đang ở mức hơn 18.000 đồng. Bốn lần giảm 6 lần tăng nhưng giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam vẫn tăng so với thời điểm giá dầu tại Singapore ở mức thấp nên lợi ích của người dân cũng như Chính phủ không lớn trong khi lợi ích "đọng lại" ở ngành vận tải, xăng dầu.

Bình luận về ảnh hưởng của giá dầu đến thu ngân sách, vị chuyên gia này cho biết, cần phân biệt hụt khoản thu do giá dầu so với năm ngoái, không do kế hoạch ngân sách. Theo ông Phong, dự toán thu từ dầu khoảng 93.000 tỷ, trong 7 tháng thu được hơn 38.000 tỷ. Bên cạnh đó, thu ngân sách vẫn khá tốt như vậy ngân sách áp lực từ giảm thu có nhưng bộc lộ chưa lớn.

Theo Bizlive