Giá đất Phú Quốc tăng bất thường: Khi dân Phú Quốc chiếm rừng bán “đất chỉ”

Cùng với hiện tượng sốt đất ở Phú Quốc, nhiều khu đất rừng phòng hộ tại địa phương này đã bị người dân bao chiếm, trồng cây rồi bán sang tay...
Công nhân khẩn trương xây dựng con đường xuyên qua rừng phòng hộ vào các dự án du lịch ở Bãi Sao (thị trấn An Thới)
Công nhân khẩn trương xây dựng con đường xuyên qua rừng phòng hộ vào các dự án du lịch ở Bãi Sao (thị trấn An Thới)

Cụm từ bán “đất chỉ” trở nên quen thuộc ở Phú Quốc.

Giới đầu tư, đầu cơ mua cả những khu đất chỉ có giấy tay nên các “chủ đất” cứ “chỉ tay” là bán đất thu tiền. Nhiều khu đất không giấy tờ, thậm chí nằm trong khu vực đất rừng phòng hộ nhưng “cò” vẫn rao bán.

Chiếm cả đất rừng phòng hộ

Những ngày có mặt tại Phú Quốc, chúng tôi liên tục được các “cò” đất bám lấy, nhiệt tình dẫn đi xem đất nhưng rất ít “cò” trưng ra được giấy tờ pháp lý đất. Nhiều lô đất nằm trong quy hoạch, chỉ có giấy tay, thậm chí là đất rừng phòng hộ nhưng cũng được “cò” chỉ mua.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc, điểm “nóng” bao chiếm đất rừng là khu vực thị trấn An Thới và hai xã Dương Tơ, Hàm Ninh. Cơ quan chức năng An Thới cũng vừa xử lý hai đối tượng có dấu hiệu bao chiếm đất rừng là Bùi Văn Nhơn và Võ Ngọc Tuấn.

Dẫn chúng tôi đến hai điểm nóng “đất chỉ” ở An Thới, xung quanh khu vực các dự án lớn ở Bãi Sao và Bãi Khem, anh Nguyễn Khang - một người dân ở đây - cho biết một nhóm người trong đất liền ra phát rừng trồng cây rồi bán đất bằng giấy tay cho khách.

Dọc theo con đường nhựa chạy xuyên qua khu rừng phòng hộ ở thị trấn An Thới để vào dự án của Công ty Hưng Hải và Công ty Phú Hưng Thịnh (Bãi Sao), chúng tôi thấy nhiều khu đất rừng đã bị bao chiếm.

Dọc hai bên đường, nhiều khu đất được san ủi, dựng cọc bêtông bao quanh. Một số “cò” đất đang hí hoáy giao dịch với một nhóm khách đầu tư nói giọng Bắc.

“Đang có 5 công đất ở Bãi Sao, giá 50 triệu đồng một công thôi nhưng là giấy tay nhé” - “cò” Huy lên tiếng rồi dẫn nhóm khách thực địa lô “đất chỉ” trên. Đây là 5 công đất nằm trong rừng phòng hộ sát mé đường vào dự án khu du lịch của Công ty Hưng Hải. Trên đất còn sót lại dấu đốt phá và lèo tèo vài cây vườn vừa được trồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Minh Tâm - giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Quốc - cho biết chỉ trong nửa đầu năm nay, BQL đã lập biên bản 10 vụ phát quang bao chiếm đất rừng với khoảng 6ha đất rừng phòng hộ bị bao chiếm.

“Nhiều nơi như thị trấn An Thới không chỉ phát quang, bao hàng rào mà người dân còn đốt cả rừng để chiếm đất, trồng cây tạo vườn. Chúng tôi có nghe nói đất đã bao chiếm được sang nhượng bằng giấy tay. Tuy nhiên đây là hoạt động trái phép nên không thống kê được” - ông Tâm nói.

Xử lý không xuể do lực lượng mỏng?

Theo thông tin từ BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, từ năm 2012 - thời điểm thành lập BQL rừng phòng hộ đến nay, diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn giảm 5.000ha, toàn đảo hiện còn lại 6.870ha rừng phòng hộ.

Ngoài việc điều chỉnh lại ranh giới đất rừng phòng hộ do chồng lấn đất của dân (có sổ đỏ) và giao cho các dự án phát triển du lịch, hiện tượng đất rừng phòng hộ bị giảm mạnh còn do hoạt động phá rừng của người dân. Đặc biệt, theo ông Tâm, tình trạng người dân bao chiếm đất rừng tiếp tục gia tăng trong sáu tháng đầu năm 2015.

Cũng theo ông Tâm, thời gian qua BQL rừng phòng hộ Phú Quốc đã phối hợp với chính quyền tổ chức di dời và xử lý nhiều vụ dân lập hàng rào bao đất rừng. Riêng trong năm nay đã di dời 8.000 cây trồng các loại do dân trồng trên đất bao chiếm ra khỏi đất rừng.

Ông Tâm cũng thừa nhận với lực lượng quá mỏng, chỉ 13 người, BQL khó xử lý hết các vụ bao chiếm đất rừng. Do đó, giải pháp được BQL đề ra trong thời gian tới là lập ranh giới các khu vực đất phòng hộ tiếp giáp với đất dân.

Ông Lê Quang Minh, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Phú Quốc, cũng cho biết từ đầu năm đến nay đã phát hiện ít nhất 30 vụ người dân bao chiếm đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất dự án trái phép.

“Chúng tôi đã nắm thông tin và đang điều tra để xử lý một nhóm trên 30 người từ đất liền ra đảo chuyên đi bao chiếm đất dự án, có côn đồ bảo kê. Những dự án bị bao chiếm phần lớn do nhà đầu tư chậm triển khai, bỏ đất trống trong thời gian dài mà không có đủ người trông coi” - ông Minh nói.

Sẽ không phá vỡ quy hoạch!

Dù chính quyền địa phương khẳng định không để tình hình đầu cơ gây sốt đất trên đảo Phú Quốc dẫn đến phá vỡ quy hoạch phát triển đảo, nhưng theo thông tin chúng tôi có được, tỉ lệ đất phê duyệt làm dự án du lịch đã vượt xa quy hoạch ban đầu theo quyết định 633 của Chính phủ.

Cụ thể, theo nguồn tin từ BQL đầu tư - phát triển đảo Phú Quốc, tính đến ngày 15-5-2015 tổng diện tích phê duyệt 1/2.000 lên đến 9.840ha, riêng đất du lịch chiếm 4.406ha. Trong khi đó, quyết định 633 phê duyệt quy hoạch đất du lịch đảo Phú Quốc đến năm 2030 là 3.861ha.

Như vậy, diện tích đất giao cho chủ đầu tư làm du lịch vượt quá quy hoạch, trong khi đất rừng phòng hộ lại giảm sút. Bởi theo quyết định nêu trên, đến năm 2030 đảo Phú Quốc có 7.038ha rừng phòng hộ, trong khi toàn đảo chỉ còn lại 6.870ha rừng phòng hộ.

Số diện tích rừng phòng hộ còn lại này đang đối mặt với nạn xâm lấn, bao chiếm hằng ngày của người dân, chủ đầu tư và giới đầu cơ bất động sản.

Trao đổi với chúng tôi về sự thay đổi quy hoạch này, ông Huỳnh Vĩnh Lạc - chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết: “Sau một thời gian triển khai, một số quy hoạch không còn phù hợp. Cho nên mới đây Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký ban hành quyết định số 868/QĐ-TTg, ngày 17-6-2015 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030”.

Ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cũng cho rằng dù có tình trạng sốt đất nhưng đến nay toàn bộ giao dịch đất đai trên địa bàn đều diễn ra đúng theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.

“Người mua đất hiện chỉ đầu cơ chờ giá bằng cách thuê người rào khu đất của mình rồi trồng cây để giữ đất. Trong trường hợp muốn chuyển mục đích sử dụng phải xin phép cơ quan chức năng nên lo ngại về phá vỡ quy hoạch là khó xảy ra” - ông Hưng nói.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết huyện Phú Quốc cũng đã chỉ đạo các địa phương, các phòng chức năng tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn, trong đó chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bao chiếm đất rừng và xây cất trái phép trên địa bàn mình quản lý.

“Hô biến” đất rừng thành đất vườn

Tình trạng phá rừng biến đất rừng thành đất vườn ngày càng lộng hành, nhiều vụ các đối tượng đốt luôn cả rừng. Một buổi chiều tháng 2 chúng tôi theo chân tiểu đoàn 565 (Hải quân Vùng 5) dập lửa một đám cháy lớn tại khu vực rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 82 (thị trấn An Thới, Phú Quốc) do BQL rừng phòng hộ Phú Quốc quản lý.

Tại hiện trường, cả một khu vực gần 5ha rừng đã bị người dân phát trống và tạo những đám cây khô rất dễ bén lửa trước đó, rồi lợi dụng chiều tối lén lút đốt chờ mùa mưa đến trồng cây ăn trái nhằm biến đất rừng thành đất vườn. Dù đám cháy được khống chế nhưng ước tính khoảng 3ha rừng phòng hộ đã bị thiêu rụi.

Thiếu tá Đồng Quảng Đại - phó tiểu đoàn trưởng 565 - cho biết: “Đây là khu vực gần đơn vị đóng quân nên hằng ngày đều có chiến sĩ đi tuần tra. Nhiều lần chúng tôi bắt gặp người dân phá rừng và đã ngăn chặn kịp thời”.

Cũng tại hiện trường, chúng tôi thấy người dân đã trồng dừa và xà cừ cao ngang đầu người, cả một khu vực rộng lớn đã bị rào bằng cột bêtông và kẽm gai rất chắc chắn.

Hai lần điều chỉnh quy hoạch

Từ năm 2010 đến nay, quy hoạch chung phát triển đảo Phú Quốc đã được điều chỉnh hai lần, trong đó nới dần diện tích đất làm du lịch khiến đất rừng bị thu hẹp dần.

Cụ thể, quyết định 633 (ngày 11-5-2010) điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 đất du lịch khoảng 3.861ha. Đất lâm nghiệp (gọi là đất rừng) 37.802ha, trong đó riêng rừng phòng hộ 7.038ha, rừng đặc dụng 29.500ha.

Đến ngày 17-6-2015, Chính phủ tiếp tục ra quyết định điều chỉnh quy hoạch, trong đó đất du lịch được điều chỉnh tăng lên 4.003ha, đất lâm nghiệp còn lại 37.430ha và rừng phòng hộ giảm còn 6.666ha.

Theo: Tuổi Trẻ