Giá cước vận tải Việt Nam quá cao so với thế giới

Người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu, một yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm tới 25% - 35%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,73%) trong ba tháng vừa qua.
Giá cước vận tải Việt Nam quá cao so với thế giới

Giá cước vận tải quá cao

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800 đồng/km (6 bath), ở Manila là 5.700 đồng/km (11,93 peso), ở Jakarta là 6.300 đồng/km (4.000 Rupiah) và thậm chí là ở Singapore cũng chỉ 8.700/km (0,55 USD).

So với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, giá cước taxi tại Hà Nội (từ 11.000 - 13.900 đồng/km) đang cao hơn từ 26,4% đến 60%, ở thành phố Hồ Chí Minh (từ 14.500 - 15.500 đồng/km) đang cao hơn tới 66,7% đến 78,2%.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” chiều ngày 8/9 tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải bất hợp lý và quá cao hiện nay”.

Theo thông báo của Bộ Công Thương gửi cho VINASTAS (ngày 3/9/2015), xăng RON 92 giảm giá 1.198 đồng/lít, giá bán xuống mức 17.338 đồng/lít; xăng E5 giảm giá xuống còn 16.843 đồng/lít; dầu diesel 0.05S xuống còn 13.310 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S xuống còn 9.351 đồng/kg.

Như vậy, trong năm nay, kể từ khi lập đỉnh 20.711đồng/lít vào ngày 19/6/2015, sau 5 lần giá xăng dầu giảm liên tiếp, nhưng giá cước vận tải vẫn hầu như không nhúc nhích. Nhiều hãng taxi vẫn giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe Getz, Giant i10, Kia Moring là 6.000đ với km đầu tiên, từ km thứ 2 đến km thứ 30 là 11.000đ/km, từ km thứ 31 trở đi 9.000đ/km.

Việc chi phí đầu vào giảm nhưng giá cước không giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng còn bị thiệt kép khi giá cả những mặt hàng liên quan khác cũng vin vào đó để “neo giá”.

Giá cước vận tải còn giảm được

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, giá cước vận tải còn giảm được. Chẳng hạn, cước taxi 5 chỗ tại TP. HCM, với mức giá là 14.500 – 15.500 đồng/km, xăng cấu thành khoảng 3.625 - 5.425 đồng/km (25% - 35% giá cước vận tải); khi giá xăng giảm tới 16,3% (so với trước ngày 4/7/2015) mà giá cước chưa giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã phải chịu thiệt hại khoảng 591 - 884 đồng/km.

Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải thì số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và số tiền lợi nhuận về phía người kinh doanh sẽ không hề nhỏ.

Giá cước vận tải ô tô có yếu tố đầu vào cơ bản là xăng - dầu. Chi phí xăng chiếm khoảng 25% - 35% trong giá thành cước vận tải ô tô đối với loại phương tiện sử dụng xăng; Chi phí dầu diesel chiếm khoảng 35% - 45% trong giá thành vận tải ô tô đối với loại phương tiện sử dụng dầu diesel.

Xăng dầu trong 2 tháng gần đây giá đã giảm 5 lần, cụ thể:

Nếu so với mức giá trước ngày 4/7/2015 thì xăng đã giảm: 16,3%, dầu diesel giảm: 17,21%.

Ông Thỏa phân tích, khi xăng dầu giảm mà các yếu tố cấu thành giá khác trong khoảng 2 tháng qua không có biến động tăng như: Khấu hao, tiền lương, chi phí khác... thì giá cước vận tải sẽ giảm được như sau:

* Đối với xe chạy xăng: Chi phí xăng chiếm 25% - 35%, giá cước vận tải sẽ giảm được: 4,1% - 5,7% tùy loại xe.

Ví dụ: Ở Hà Nội, nếu giá cước taxi khoảng 11.000đ – 12.000đ/km thì sẽ giảm được khoảng 448đ – 685đ/km. Ở TP. HCM, nếu giá cước taxi khoảng 14.500đ – 15.500đ/km thì sẽ giảm được khoảng 591đ – 884đ/km.

* Đối với xe chạy dầu: Chi phí dầu chiếm khoảng 35% - 45%, giá cước vận tải sẽ giảm được 6% - 7,75%.

Ví dụ: Nếu giá cước vận tải hành khách hiện nay khoảng 550đ/km thì sẽ giảm được khoảng 33.17đ – 42,64đ/km. Với tuyến đường khoảng 150km, với giá vé khoảng: 82.500đ/vé sẽ giảm được: 4975 đ – 6.397 đ/vé.

Trước thực trạng “neo giá cước” để ‘móc túi người tiêu dùng”, các chuyên gia kinh tế tại hội thảo nêu khuyến Nghị với cơ quan quản lý Nhà nước: Xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố.

Thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Điều 26 Luật Giá. Tiến hành xử phạt hành chính, buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do việc lợi dụng cơ chế giá thị trường để định giá bất hợp lý theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 109/2013/NĐCP.

Thúc đẩy cạnh tranh trong ngành vận tải về giá và chất lượng vận tải, thông qua khuyến khích các thành phần kinh tế và loại hình dịch vụ mới tham gia thị trường vận tải.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyên người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái để tự bảo vệ mình. Đối với các đơn vị có hợp đồng vận tải lớn, khi ký kết hợp đồng cần thảo luận và thống nhất điều khoản linh hoạt về giá cước vận tải.

Cơ quan quản lý Nhà nước cùng với các phương tiện thông tin đại chúng thông báo những doanh nghiệp vận tải có hành vi vi phạm nhằm hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn các doanh nghiệp phục vụ tốt nhất lợi ích của mình.

TheoBizlive