Ghé Huế, chút khẽ khàng nơi nương cụ Phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỗ rẽ mé trái lối dẫn vô chùa Vạn Phước, hai cột trụ cổng thâm thấp nổi bật hai hàng chữ Nôm khắc trên nền đá đen: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Mộ học giả Phạm Quỳnh.

Hiếm hoi tiết ngâu xứ Huế bừng được bữa nắng thu vàng rỡ. Những đốm nắng thu xuyên qua những tàn cây, nên khung cảnh khu mộ cụ Phạm như có chút chi huyền hoặc? Đốm nắng ấy đủ màu lung linh loang từ trụ cổng, lan lên bức tượng bán thân cụ Phạm Quỳnh trong bộ quốc phục khăn thếp áo the đặt sau mộ. Tấm bia đá rờ rỡ chữ như nhắc lại câu “Truyện Kiều còn tiếng ta còn/Tiếng ta còn nước ta còn” bằng chữ Nôm xen quốc ngữ.

Khẽ khàng những sải bước rón rén trên lối đi hèm hẹp trong khu mộ, tôi đương ngẫm đến một sự lạ! Ấy là cái duyên đằm, duyên bền của cụ Thượng chi Phạm Quỳnh với ngôi chùa Vạn Phước và rộng hơn với cả xứ Huế đây!

Từ Chủ nhiệm Tạp chí Nam Phong đến Thượng thư Bộ Lại

…Tháng 3 âm năm 1918, ông Chủ nhiệm tờ Tạp chí Nam Phong Phạm Quỳnh cùng ông phóng viên của báo Chương Dân, tức cụ Phan Khôi, vô Huế coi lễ tế Nam Giao. Cả hai ông lần đầu đặt chân đến đất thần kinh.

Cụ Phạm Quỳnh - chủ bút Nam Phong Tạp chí

Cụ Phạm Quỳnh - chủ bút Nam Phong Tạp chí

Hai vị ấy đi Huế, vô đế đô như ông cảm khái rằng, để chiêm ngưỡng cái hình hài Tổ quốc. Để cảm cái hồn xưa của loài giống. Để thân thể gội cái khí thiêng của núi sông.

Những bươn bả, xông xáo, tháo vát và cả nhờ vả này khác cùng cả sự quan chiêm tinh tế, ông chủ nhiệm Nam Phong Tạp chí đã nhiệt thành chuyển tải những kiến văn cùng tư tưởng trong mười ngày ở chốn Tràng An thuật lại cho các bạn đọc của Nam Phong. Lần đầu độc giả Nam Phong tạp chí mới biết được cách thức bài trí của Đại Nội của Cửu đỉnh và thể thức lễ tế Nam Giao ra sao. (Xem thêm Mười ngày ở Huế, NXB Văn học 2001).

Thời gian lưu lại Huế cũng chỉ là cưỡi ngựa lướt hoa nên ông chủ bút Phạm Quỳnh đã phải ngậm ngùi thế này:

“… Xứ Huế phong cảnh đã xinh những là núi sông cung điện lăng tẩm mà dễ quý nhất là con người xứ Huế. Tôi tiếc là vì không được lưu lại lâu trong khoảng mười ngày lấy đâu mà biết cho khắp những bậc danh sĩ cao nhân. Mà số ấy đa phần là người ẩn dật không phải hàng ngày mà gặp được…”

Trong số những danh sĩ cao nhân ấy, Phạm Quỳnh ấn tượng sâu đậm hơn với nữ sĩ Đạm Phương (thân mẫu Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, bà nội nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) khi ấy mới gần 40 tuổi!

Tôi ngờ rằng sau chuyến đi Huế năm 1918 ấy, hình như mãi 24 năm sau, ông chủ bút Nam Phong, năm 1932, mới lại trở lại Huế? Lần trở lại Huế này, cụ Phạm như lợi, hại hơn xưa!

Thượng thư Bộ Học, rồi thượng thư Bộ Lại trong chính phủ Nam Triều.

Rồi từ năm 1932 đến 1945, ở vị thế ấy, chức tước ấy, bao nhiêu là những tham quan, gặp gỡ giao du, đàm đạo?

… Trong làn nhang mờ tỏ quyện với nhấp nhánh đốm nắng như rờ rỡ thêm hàng chữ và cũng là thủ bút kèm chữ ký của cụ Phạm trên nền đá đen “Tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia”.

Thoáng chút giật mình! Hàng chữ kiêm thủ bút kia là dòng chữ cuối cùng của cụ Phạm viết vào buổi sáng ngày 23/8/1945 tại biệt thự Hoa Đường bên bờ sông An Cựu. Cùng buổi chiều hôm đó, khoảng 2 giờ bắt đầu một thời khắc định mệnh: Cụ Phạm bất ngờ bị dẫn đi.

Tới thời điểm này đã có vô khối tài liệu đề cập đến sự ra đi và cái chết của cụ Phạm. Nhưng có lẽ, 2 thứ sau lưu bền lâu với hậu thế: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng".

Lời ấy của Cụ Hồ. Cụ đã nói với hai người con cụ Phạm là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức, chiều 30/8/1945 tại Hà Nội (NS Phạm Tuyên. Lịch sử sẽ công bằng với cha tôi).

Một trong những bức ảnh của cụ Phạm Quỳnh mà gia đình con trai ông - nhạc sĩ Phạm Tuyên còn lưu giữ.

Một trong những bức ảnh của cụ Phạm Quỳnh mà gia đình con trai ông - nhạc sĩ Phạm Tuyên còn lưu giữ.

Chùa Vạn Phước

Chùa Vạn Phước tọa lạc trên đỉnh Bình An thuộc phường Trường An của thành Huế. Chùa hướng Tây Nam. Có núi Thiên Thai làm tiền án. Có suối Tiên quanh năm nước trong xanh róc rách. Phía sau có ngọn Hàm Long làm hậu chẩm. Thế đất được coi là Đạo mạch khai quang, Xương long Phật tổ.

Năm Đinh Sửu, thể theo tấu chương của Thượng thư Phạm Quỳnh, vua Bảo Đại đã ban sắc phong Sắc tứ Vạn Phước cho chùa Vạn Phước và sắc phong cho sư trụ trì là Sắc tứ Tăng Cang.

Với đức độ của ngài và sự kính ngưỡng của Phật tử, trong đó có Thượng thư Phạm Quỳnh, nên vào năm Canh Thìn (1940), Vạn Phước được đại trùng tu lần thứ hai.

Thượng thư Phạm Quỳnh có mối cảm mến đặc biệt với Vạn Phước. Sư trụ trì dành hẳn một thư phòng để Thượng thư Phạm Quỳnh thi thoảng vãn cảnh chùa vô nghỉ ngơi đọc sách đàm đạo, thư pháp.

Vậy nên gặp hoàn cảnh ngặt nghèo của thời điểm tháng 2/1956, khi cải táng mộ Thượng thư Phạm Quỳnh, sư cụ chùa Vạn Phước đã phát tâm lành rộng mở cửa chùa đón hài cốt cụ Phạm vào nương nơi cửa Phật.

Mộ cụ Phạm ngay ngắn lối cổng chùa Vạn Phước từ bấy đến nay như mối duyên lành bao năm bện quyện!

Ảnh Tư liệu gia đình NS Phạm Tuyên

Ảnh Tư liệu gia đình NS Phạm Tuyên

Biệt thự Hoa Đường

Một mối duyên lành khác là ngôi biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu mà cụ Phạm ở từ hồi trở lại Huế.

Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945. Chính phủ đế quốc Việt Nam được thành lập.

Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh về hưu lui về nghỉ ngơi ở biệt thự Hoa Đường.

… Trong tài liệu về Phạm Quỳnh, còn những dòng hồi ức của ông Nguyễn Vạn An, đại diện cho nhóm Tri tân do cụ Nguyễn Văn Tố giới thiệu, đi công cán ở Huế. Ông An đã lặn lội tìm đến Hoa Đường gặp được cụ Phạm.

Trong câu chuyện gặp gỡ, cụ Phạm có giải thích thêm thời điểm 1932, cụ vô Huế giữ chức Thượng thư.

"Hồi tôi ra chấp chánh, ông cố Toàn Quyền Pasquier nói với tôi rằng: – “Nhà vua (Bảo Đại) là một người hoàn toàn Âu hóa, phải có một người bán tân bán cựu (nửa mới, nửa cũ) ra làm cái cầu ở giữa để giúp nhà vua”. Mà cái cầu ấy, người ta đã chọn tôi. Nhưng tôi có làm được cái gì đâu!

“Nhưng trong những hoàn cảnh khó khăn ấy, đổi lại, tôi còn bị ngờ vực.

“Ông tính coi, một nhà văn bạch đinh như tôi, vụt một cái nhảy lên cái ghế danh vọng của triều đình, thì tránh sao được những đố kỵ và ngộ nhận. Cảnh ngộ của tôi lúc ra làm quan thật phù hợp với hai câu:

“Phấn vua Lê trang điểm ấy là duyên

Tay Chúa trịnh cầm quyền âu cũng nợ…”

Khi hỏi về tình hình hiện tại, cụ Phạm đã bộc bạch.

“Suốt một đời, tôi đã phụng sự cho văn học thì ngày nay không vì lẽ gì tôi lại không muốn trở lại cái đời cầm bút đã bị một thời gian bỏ dở.

“Hiện thời tôi cần phải nghỉ tĩnh dưỡng trong ít lâu, rồi tôi sẽ trở lại hoạt động cho văn học. Tôi tin tưởng rằng Quốc văn của ta sau này sẽ tiến triển mạnh mẽ lắm. Một phần nó được hấp thụ nền cổ học Trung Hoa, một phần khác nó được ảnh hưởng rất mạnh trong nền học mới.

“… Tương lai nước ta sau này là do chữ quốc ngữ, nó sẽ là nền móng của công cuộc giải phóng và độc lập sau này…”"

(Trích Tôi đã gặp Phạm Quỳnh ở biệt thự Hoa Đường - Nguyễn Vạn An; Bài đăng ở báo Tin Điển ngày 23/3/1952 – xuất bản tại Sài Gòn)

Bức tượng bán thân cụ Phạm Quỳnh do chính người cháu ngoại của cụ là kiến trúc sư Tôn Thất Đại thiết kế, được đặt ngay sau ngôi mộ cụ ở chùa Vạn Phước (phường Trường An, TP Huế).

Bức tượng bán thân cụ Phạm Quỳnh do chính người cháu ngoại của cụ là kiến trúc sư Tôn Thất Đại thiết kế, được đặt ngay sau ngôi mộ cụ ở chùa Vạn Phước (phường Trường An, TP Huế).

Có lẽ cũng phải biên ra đây ít dòng trong một bài viết của nhà văn Thanh Tịnh, bài "Nửa giờ với cựu Thủ tướng Phạm Quỳnh" đăng trên Việt Nam Tân báo, số 33 ra ngày 2/5/1945, tức là sau cuộc đảo chính Pháp của Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim đã thành lập. Chức vụ cuối cùng Phạm Quỳnh giữ trong triều đình Huế là Thượng Thư Bộ Lại.

Bài này góp thêm một chứng cứ khách quan nữa bác bỏ các luận điệu nói rằng Phạm Quỳnh “câu kết với Nhật” hoặc “nằm im chờ Pháp đến giải cứu".

Một buổi chiều nắng nhạt trong biệt thự Hoa Đường gần bờ sông An Cựu. Tôi đưa giấy nhờ người nhà đem vào để xin yết kiến. Hai phút sau, Phạm Tướng công đã lộ hình trong khung cửa giữa. Mắt nhìn vào mảnh giấy, một lát ông nhìn tôi rồi cười hỏi:

- Anh Thanh Tịnh đấy à? Thế mà tôi nhìn mãi chữ ký không nhận ra.

Một cái nhìn tươi mới tiếp theo sau cái vỗ vai thân mật.

… Rồi ông dẫn tôi đi xem cái thư viện đặc biệt của ông. Đó là một phòng làm việc có gần mười cái tủ sách vây quanh. Trong đó sách lớn có nhỏ có sắp đặt rất thứ tự và bìa thì đóng dấu bạc hay chạy chữ vàng đủ thứ.

Ông cười.

Đến 54 tuổi tôi mới về được với công việc nghiên cứu thích thú nhất của đời tôi. Đấy anh xem, tờ Nam Phong xưa có phải là một cơ quan chính trị đâu. Tôi nghĩ văn hóa là căn bản tinh thần của một chủng tộc, cho nên – là một nhà báo, là nhà học giả – tôi phải theo đuổi đến kỳ cùng.

Lúc chia tay, sau nụ cười, ông nói:

Chúng tôi bây giờ là những "cô đào" già, ca Nam ai, Nam bằng nhiều lần quá thành nhàm tai nên không ai muốn nghe nữa. Thời đã mới cần người mới để hát những bài ca mới hơn… Nhưng thôi, bỏ những chuyện viển vông ấy đi, tôi đã hiện nguyên hình là nhà báo thì nói chuyện về báo vui hơn. Lúc nào tờ Việt Nam Tân báo của anh cần những người trợ bút không công, tôi sẽ vui lòng giúp quý báo…

Rời khỏi biệt thự Hoa Đường ra về tôi cảm thấy như vừa rời khỏi một thư viện.

(Hết trích)

Tác giả tại khu mộ cụ Phạm ở chùa Vạn Phước (Huế).

Tác giả tại khu mộ cụ Phạm ở chùa Vạn Phước (Huế).

Trước bữa rời Huế, tôi đã có nửa buổi lang thang suốt dọc sông An Cựu.

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong.

Lang thang chả phải để chiêm quan cảnh sắc An Cựu, một chi lưu ngoạn mục của sông Hương. Mà muốn tìm đến biệt thự Hoa Đường... Nhưng lạ, hỏi thăm tứ tán nhưng vẫn không tìm ra? Có lẽ chưa dò đến nơi đến chốn? Hỏi nữa thì được người ta chỉ cho một chỗ hõm sông bảo là cái bến mang tên cụ Phạm, cụ Thượng Chi! Nhưng quanh đó chả thấy cái biệt thự hay nhà cũ nào?

Lạ nữa, trưa ấy, cơ man nào là giống chim én Huế rập rờn sà sát mép nước cái bến sông có tên là bến cụ Phạm. Lại thoáng bài thơ "Ô Y hạng" của Lưu Vũ Tích đời Đường.

Chu Tước kiều biên dã thảo hoa

Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.

Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến

Phi nhập tầm thường bách tính gia.

Tạm dịch:

Ngõ hẻm Ô Y

Bên cầu Chu Tước đầy những hoa cỏ hoang dại

Nơi hẻm Ô Y trời đã về chiều

Thuở trước, chim én thường xuất hiện trước nhà Vương Đạo, Tạ An

Nay bay vào những nhà bình thường của trăm họ.

Ngàn năm trước có người đã rưng rưng cảm khái cái cảnh đàn én từng chao lượn trên lâu đài họ Tạ họ Vương quyền quý. Giờ những lâu đài ấy đã biến mất! Vẫn giống én ấy nay vẫn xập xòe trên mái nhà gianh vách đất của bao nhà bình dân…