Nếu tính riêng 25 năm, từ 1989 đến 2014, quy mô GDP của Việt Nam tăng gấp 30 lần so với trước, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỷ USD một năm lên 186 tỷ USD năm 2014. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người tăng gấp 21 lần; chênh lệch GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước cũng dần được rút ngắn.
Cơ cấu kinh tế ngày càng được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt con số 2.000 USD, thuộc nhóm trung bình của thế giới.
Riêng về lĩnh vực xuất khẩu, từ 1995 đến 2014 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 30 lần, trong đó sản phẩm tiêu, cà phê, hạt điều, gạo, thủy sản, dệt may, giày, chè… luôn đứng ở tốp đầu thế giới. Sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng mạnh, trong đó từ 1996 đến 2014, tăng trưởng bình quân 9,4% năm.
Nhiều thiết bị khó, đòi hỏi công nghệ cao thì giờ đây trong nước đã sản xuất được. Đối với các nhà máy thủy điện, trước đây chúng ta vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thủy công thì đến nay toàn bộ phần này có thể do các doanh nghiệp cơ khí trong nước đảm nhận, kể cả đối với các nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La có công suất đến 2.400MW….
Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp đã chế tạo các trạm trộn bê tông xi măng công xuất từ 120 đến 250 m3/giờ. Tổng công ty CP xây dựng Công nghiệp Việt Nam đã chế tạo thiết bị Nhà máy xi măng Thái Nguyên với tỷ lệ nội địa hóa đạt 74% về khối lượng…
Với những kết quả đã đạt được, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có rất nhiều triển vọng để phát triển kinh tế, xã hội. Trên lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể nằm trong tốp 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tiêu, cà phê, dừa, gạo, thủy sản, cao su, trái cây… Thu nhập của người làm nông nghiệp tiếp cận thu nhập của người làm công nghiệp.
Việt Nam cũng có triển vọng trở thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới. Trong đó các thế mạnh tương lai của Việt Nam là sản xuất thép, thủy điện, năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông…
Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên chúng ta phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, tăng nhân lực nghiên cứu khoa học (từ 700 người/1 triệu dân lên 2.000 người/1 triệu dân); tăng chi cho khoa học - công nghệ (từ 0,87% GDP lên 2% GDP).
Doanh nghiệp cần liên kết với nhà trường để phát triển nhân lực theo nhu cầu. Ngoài ra Việt Nam cũng có triển vọng lớn về phát triển du lịch, với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, trong đó: Vịnh Hạ Long được bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất thế giới (trang web BuzzFeed của Mỹ);
Hang Sơn Đoòng được bình chọn là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới (Tạp chí Business Insider) và là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới năm 2014 (Tạp chí National Geographic). Do đó, nếu có cách quản lý và khai thác tốt thì du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển rất mạnh.
Ngoài ra chúng ta cần có các giải pháp để bảo đảm nợ công được kiểm soát và có thể nâng trần nợ công; Tham nhũng được đẩy lùi dần và không gia tăng trở lại; Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được kiểm soát chính xác và trong giới hạn an toàn;
Thực thi chính sách dân số bền vững về kinh tế và xã hội; Văn hóa Việt Nam là sức mạnh dân tộc để tăng tốc phát triển và hội nhập hiệu quả. Thực hiện được các mục tiêu này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn cất cánh mới 2016 - 2030 với mức tăng trưởng bình quân 7-8%/năm.
Theo Tiền Phong