Gần 8.000 người ký thư ngỏ phản đối Hà Nội chặt cây

Bức thư ngỏ gửi lãnh đạo UBND TP Hà Nội của các tổ chức và công dân Thành phố Hà Nội về việc chặt và thay thế 6.700 cây xanh sau khi được đưa lên diễn đàn mạng, đến thời điểm hiện tại đã nhận được gần 8.000 chữ ký...
Nhiều cây xanh được trồng cách đây cả chục năm đang bị Hà Nội chặt hạ để trồng mới và thay thế.
Nhiều cây xanh được trồng cách đây cả chục năm đang bị Hà Nội chặt hạ để trồng mới và thay thế.

Tiếp theo thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo ngày 16/3 về việc đề nghị tạm dừng việc chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố để thay thế và trồng mới. Ngày 19/3, các tổ chức và công dân TP. Hà Nội vừa tiếp tục có thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phản đối việc chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố.

Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bức thư này:

"Là những tổ chức và công dân của thành phố Hà Nội, chúng tôi rất quan tâm và lo ngại về Dự án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị Hà Nội đang diễn ra, với 6700 cây đã và sẽ bị chặt hạ. Mục đích của dự án là làm đẹp cho Hà Nội, người dân hiểu và ủng hộ điều đó.

Tuy nhiên, hiện nay, do thiếu thông tin cụ thể về dự án, việc chặt cây diễn ra hàng ngày ở các phố đang gây ra nhiều dư luận và thắc mắc trong công chúng. Chúng tôi kiến nghị với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội ba nội dung sau:

Thứ nhất, tạm dừng ngay lập tức việc chặt hạ hàng loạt các cây xanh ở Hà Nội, trừ những cây có thể gây tai nạn trước mắt, để làm rõ những thắc mắc của công chúng và điều chỉnh nếu cần.

Thứ hai, đề nghị Sở Xây dựng và cơ quan chủ trì dự án công bố toàn bộ thông tin chi tiết về Dự án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội giai đoạn 2014-2015 kèm theo Tờ trình số 8452/TTr-SXD và các tài liệu liên quan, bao gồm dự toán được phê duyệt, trên cổng thông tin điện tử của thành phố.

Cần công bố danh sách các cây xanh bị đưa vào diện sẽ bị chặt hạ thay thế trên từng tuyến phố, theo mã số quản lý cây xanh đô thị của thành phố (nếu có), và nêu lý do thay thế với từng trường hợp, cũng như kết quả khảo sát ban đầu làm căn cứ phê duyệt dự án.
Thứ ba, sau khi công bố thông tin, thành phố tổ chức hoặc tham dự một buổi họp mở và công khai với các chuyên gia và công dân có quan tâm đến vấn đề này. Buổi họp sẽ giúp các bên liên quan đối thoại, giải đáp thắc mắc và làm rõ những vấn đề người dân đang quan tâm xung quanh dự án, điều chỉnh dự án nếu cần thiết, hoặc thêm thời gian nghiên cứu rà soát trước khi tiếp tục thực hiện. Chúng tôi cũng đề nghị thành phố nghiêm túc cân nhắc những đề xuất của công dân Trần Đăng Tuấn.

Chúng tôi đưa ra ba đề nghị trên với mong muốn cùng chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện tốt Hiến pháp 2013, cụ thể về Quyền tiếp cận thông tin, Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, và nghĩa vụ tương ứng của Nhà nước (Chương II, Điều 25 và Điều 28), Luật Bảo vệ Môi trường và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về Thực hiện Dân chủ ở Xã, Phường, Thị trấn".

Theo tìm hiểu của VnMedia , ngay sau khi được đưa lên mạng xã hội, bức thư ngỏ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đến thời điểm hiện tại, bức thư ngỏ đã nhận được gần 8.000 chữ ký, vượt qua mục đích ban đầu đề ra là 6.700 người vì 6.700 cây xanh.

"Không hề có chiến dịch chặt hạ 6.700 cây"

Liên quan đến vấn đề này, VnExpress đưa tin, sáng 19/3, tại phiên họp thường kỳ của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. 

"Chủ trương đề án chặt hạ, thay thế cây xanh, thông tin kém đến mức cả những người làm công tác truyền thông, cho đến người dân không hiểu hết về đề án", ông Thảo nói.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trong khi thực tế đó là kế hoạch từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...

"Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ; hoàn toàn không phải vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc này", ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo thành phố, việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng không đảm bảo an toàn giao thông. Trên thực tế đã có việc cây đổ gãy gây tai nạn chết người.

Theo VnMedia