Cụ thể, chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng việc tuyên truyền, thông thông tin không đầy đủ việc chặt hạ cây xanh khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hơn 6.700 cây xanh. Trong khi thực tế đó là kế hoạch từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại…
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ chứ không phải chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích.
Ngân sách nhà nước không phải bố trí một đồng nào cho việc chặt hạ mà hoàn toàn do các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại thay thế.
Cũng theo lãnh đạo thành phố, việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được HĐND TP.Hà Nội thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng không đảm bảo an toàn giao thông bởi trên thực tế đã có việc cây đổ gãy gây tai nạn chết người.
Đối với những ý kiến chưa đồng thuận, phản bác lại việc chặt cây xanh của trên địa bàn thành phố, mà điển hình là ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết thành phố sẽ tiếp thu những ý kiến trên.
Theo báo cáo của GĐ Sở Xây dựng Lê Văn Dục thì 6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết cũng như nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các Tổ chuyên gia gồm Ban Dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Cty Công viên cây xanh… khảo sát và báo cáo.
Số lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái.
Việc thay thế cây sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp đã ủng hộ thay thế cây tại 9 tuyến phố, trung bình mỗi đơn vị tham gia đóng góp cây cho một tuyến phố. Số cây đã và đang thực hiện thay thế vào khoảng hơn 500. Số còn lại phụ thuộc vào từng doanh nghiệp tài trợ. "Về số gỗ thu lại sau khi chặt hạ cây sẽ được thu hồi và tổ chức bán đấu giá, nộp ngân sách” - GĐ Sở Xây dựng Hà nội cho biết.
Dư luận nhiều ngày qua quan tâm đến việc Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất chặt hạ 6.700 cây xanh, trên gần 200 tuyến phố nội thành Hà Nội, trong đó có những cây xanh cả trăm năm tuổi. Trong số những cây xanh đó có một phần là cây bị sâu, mục, rễ nông, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và gây cản trở giao thông và đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận.
Sau khi chặt hạ cây xanh, theo dự kiến, cơ quan chức năng sẽ trồng lại tại các tuyến phố những cây được coi là phù hợp với cây xanh đô thị, có tán rộng và đảm bảo an toàn.
Theo ghi nhận của báo chí, sáng nay 19/3, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh từng được mệnh danh là "Con đường đẹp nhất Việt Nam" chẳng khác nào đại công trường. Các công nhân đang miệt mài với công việc cưa cây, "đào tận gốc, trốc tận rễ".
Những khúc cây nằm la liệt ngổn ngang trên tuyến phố, các hố đào lên chưa được trồng cây vào thay thế đất cát rất bừa bộn. Những hàng cây xanh xum xuê lá trước kia được thay vào đó là hàng cây mới trồng cao chừng 6 - 7 m, trụi lá.
Những người dân sống và làm việc trên con đường này không khỏi xót xa ngậm ngùi cho hàng cây nhiều năm tuổi bị chặt hạ. Nhiều người đi đường dừng lại quan sát, tiếc nuối cho hàng cây hoa sữa, xà cừ đã nhiều hục năm gắn bó từ tuổi thơ tới lúc hoa râm, đầu bạc.
Ông Nguyễn Văn Dũng (48 tuổi), người dân sống trên đường Nguyễn Chí Thanh, cho biết ông thấy ngỡ ngàng vì hàng cây này đã trở nên thân quen, nhiều năm nay đã che bóng mát cho người dân ở đây.
“Tôi rất ủng hộ việc chặt hạ cây mục ruỗng sâu bệnh không phù hợp với đô thị, nhưng những cây xà cừ có hàng chục, hàng trăm năm nay, tán lá xum xuê tỏa bóng mát thế, tươi tốt thế chặt đi thật sự quá lãng phí và đáng tiếc” - ông Dũng nói
Nhiều ý kiến người dân tại đây cho rằng, chính quyền nên dừng việc chặt, hạ cây xanh hàng loạt lại, mà thay vào đó là chặt, hạ xen kẽ nhau từng đợt một, cây mới cấy lớn lên có tán tạo bóng mát rồi sau đó sẽ hạ những cây còn lại thì sẽ phù hợp hơn.
"Đại công trường" đốn hạ cây xanh còn diễn ra trên nhiều tuyến phố khác của Hà Nội như Lê Duẩn, Phan Bội Châu... khiến rất nhiều người dân ngậm ngùi, xót xa, thậm chí cả phản ứng.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại "đại công trường" đốn hạ cây xanh trên "Con đường đẹp nhất Việt Nam" Nguyễn Chí Thanh hôm 19/3:
Theo LĐ, NLĐ