Gần 7 triệu tài khoản Microsoft Teams hỗ trợ giáo viên và học sinh cả nước ứng phó Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau gần 2 năm triển khai, Microsoft Teams trở thành công cụ học tập hiệu quả cho rất nhiều cơ sở đào tạo trong những đợt giãn cách xã hội. Hiện, gần 7 triệu tài khoản Microsoft Teams đã được cung cấp miễn phí.

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Kinh doanh của Microsoft Việt Nam - trao đổi với VietTimes bên lề Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021. Tại Lễ trao giải, Microsoft Teams – nền tảng giao tiếp trực tuyến của Microsoft – đã được xướng danh tại hạng mục Sản phẩm và Giải pháp Thu hẹp khoảng cách số.

Hỗ trợ kịp thời, miễn phí cho ngành giáo dục và y tế

- PV VietTimes: Trước tiên, xin chúc mừng Microsoft đã trở thành doanh nghiệp nước ngoài duy nhất vừa được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 với hạng mục Sản phẩm và giải pháp Thu hẹp khoảng cách số. Xin ông chia sẻ đôi điều về những điểm nổi bật của Microsoft Teams và những đóng góp ấn tượng nhất của nền tảng đối với công cuộc chuyển đổi số Việt Nam?

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Kinh doanh của Microsoft Việt Nam: Vâng, xin cảm ơn VietTimes. Microsoft Teams là một nền tảng mà chúng tôi rất tâm huyết!

Đây là nền tảng dùng để giao tiếp và cộng tác trực tuyến giữa hai hay nhiều người với nhau, cho phép họ trò chuyện, chia sẻ và lưu trữ tài liệu, hội họp và trình chiếu qua video. Microsoft Teams được thiết kế dành cho mọi đối tượng người sử dụng, dù là cuộc trò chuyện dưới hình thức thoại hay video, dù người dùng có tài khoản Microsoft Teams hay không, bất kỳ ai cũng có thể tham gia và sử dụng. Đặc biệt, nền tảng có khả năng tích hợp cùng lúc hàng trăm ứng dụng khác để hỗ trợ cho việc trao đổi, cộng tác và chia sẻ trên cùng một nền tảng.

ông Phùng Việt Thắng chia sẻ về ứng dụng Microsoft Teams

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Microsoft Teams được ghi nhận là một trong số những nền tảng giao tiếp trực tuyến quan trọng và phổ biến, giúp duy trì kết nối, trao đổi, chia sẻ, học tập và kinh doanh cho nhiều tổ chức y tế, cơ sở giáo dục đào tạo, cũng như nhiều doanh nghiệp trong cả nước.

- Xin ông cho biết chi tiết hơn?

Ông Phùng Việt Thắng: Khi nhận thấy việc cách ly xã hội để phòng chống Covid-19 là dài hạn, việc ứng dụng công nghệ để duy trì liên lạc, kết nối hệ thống quản lý và các bệnh viện đầu ngành trở nên cấp thiết, Microsoft đã nhanh chóng hỗ trợ triển khai miễn phí công cụ Microsoft Teams cho một số bệnh viện đầu ngành, giúp việc chỉ đạo điều hành, tư vấn chuyên môn từ các lãnh đạo, chuyên gia tới những bác sĩ ở tuyến đầu đang trực tiếp điều trị người bệnh được diễn ra kịp thời và dễ dàng.

Microsoft Teams cũng được cung cấp miễn phí cho giáo viên học sinh trên cả nước ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Sau gần 2 năm triển khai, Microsoft Teams đã trở thành công cụ học tập trực tuyến hiệu quả cho rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo và trường học trong những đợt giãn cách xã hội. Tính đến nay, gần 7 triệu tài khoản Microsoft Teams đã được cung cấp miễn phí cho giáo viên và học sinh trên cả nước.

Bên cạnh những nỗ lực duy trì việc dạy và học, Microsoft Teams còn đóng góp một phần không nhỏ trong việc duy trì hoạt động kinh doanh và mở ra cơ hội phát triển mới cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam, từ ngành tài chính ngân hàng như ABBank, Sacombank, Techcombank,… đến các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng như Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG,… hay lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp, như Marvin Việt Nam, De Heus,…

- Trong 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều linh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lý do gì Microsoft ưu tiên cung cấp Microsoft Teams miễn phí cho giáo viên và học sinh trên cả nước, thưa ông?

Ông Phùng Việt Thắng: Từ lâu, giáo dục luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Microsoft. Chúng tôi có một mục tiêu là trao quyền cho mọi học sinh, sinh viên và thầy cô trên thế giới đạt được nhiều thành tựu hơn. Hơn 20 năm phát triển tại Việt Nam, Microsoft luôn đồng hành hợp tác cùng chính phủ, đối tác và các doanh nghiệp hướng tới một tới một tương lai số, phát triển toàn diện mỗi cá nhân và tổ chức tại Việt Nam.

Do đó, khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát tại Việt Nam khiến trường học phải đóng cửa vào tháng 3/2020, chúng tôi đã ngay lập tức chủ động tiếp cận với các Sở Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức Giáo dục trên cả nước, cung cấp và triển khai miễn phí nền tảng dạy học trực tuyến Microsoft Teams, tập huấn cho học sinh và giáo viên để trong thời gian nhanh nhất hỗ trợ các trường triển khai thành công chỉ đạo của Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

THCS Đông La (Hà Nội) là một trong những trường sớm áp dụng Microsoft Teams vào công tác dạy - học.

THCS Đông La (Hà Nội) là một trong những trường sớm áp dụng Microsoft Teams vào công tác dạy - học.

Điều đặc biệt là với việc cung cấp nền tảng dạy học trực tuyến Microsoft Teams miễn phí rộng khắp trên cả nước, chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng CNTT trong dạy và học giúp rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng sâu vùng xa và các thành phố lớn. Việc dạy và học trục tuyến đã được triển khai rất thành công ở Bến Tre, Đăk Lăk, Bắc Giang,… thể hiện qua số lượng học sinh học tập trực tuyến tích cực hàng ngày còn cao hơn nhiều tỉnh thành phố lớn. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến, đóng góp cho nền giáo dục nước nhà vì một Việt Nam tương lai hùng cường.

- Đúng như ông nói, Microsoft Teams đã có những đóng góp thiết thực cho ngành giáo dục trong thời gian đại dịch Covid-19. Ngoài ứng dụng rộng rãi trong ngành giáo dục, nền tảng này được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực và ngành nghề nào khác, thưa ông?

Ông Phùng Việt Thắng: Bên cạnh những nỗ lực đồng hành cùng ngành giáo dục Việt Nam trong việc ứng phó với Covid-19, Microsoft Teams còn đóng góp một phần không nhỏ trong việc duy trì sự phát triển kinh doanh và mở ra cơ hội mới cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam, từ ngành tài chính ngân hàng đến các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, nông nghiệp chăn nuôi,…

Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, Sacombank đã triển khai ứng dụng Microsoft Teams số hóa môi trường làm việc và nâng cao năng suất và hiệu quả công việc cho toàn thể cán bộ nhân viên của ngân hàng từ năm 2019, trước khi Covid-19 xuất hiện. Đến tháng 6/2020, khi đại dịch Covid bùng phát, Sacombank không gặp khó khăn gì trong việc lần đầu tiên tổ chức Đại hội cổ đông trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams cho hơn 70.000 cổ đông.

Một cổ đông thực hiện biểu quyết trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams.

Một cổ đông thực hiện biểu quyết trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams.

Trong lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (“IPPG”) là một trong những tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời là nhà phân phối của nhiều thương hiệu đẳng cấp hàng đầu thế giới với 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh. Nắm bắt nhu cầu và xu hướng tất yếu của phương thức làm việc từ xa, IPPG cũng là một trong những doanh nghiệp sớm triển khai Microsoft Teams như là một nền tảng tương tác chính thức và duy nhất trong tập đoàn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, De Heus, một tập đoàn hơn 12 năm trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, vừa qua cũng đã quyết định số hóa toàn bộ hệ thống với việc triển khai Microsoft 365 trong đó có ứng dụng công cụ cộng tác Microsoft Team cho toàn bộ cán bộ nhân viên của tập đoàn.

Sacombank, De Heus và tập đoàn Liên Thái Bình Dương chỉ là 3 trong số nhiều doanh nghiệp đã và đang tin tưởng vào Microsoft Teams để chuyển đổi phương thức làm việc trong tiến trình chuyển đổi số của mình.

Nguồn động viên, cổ vũ lớn

- Trong quá trình hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp chuyển đổi số phương thức làm việc như vậy, Microsoft Việt Nam có gặp phải thách thức hay khó khăn gì không?

Ông Phùng Việt Thắng: Chuyển đổi phương thức làm việc nói riêng và chuyển đổi số nói chung sẽ xảy ra khi có 4 yếu tố là con người, công nghệ, quy trình và dữ liệu. Trong đó, con người và công nghệ là 2 yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Do đó, trong nhiều năm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi nhận thấy thách thức duy nhất đến từ nhận thức của con người, của ban lãnh đạo và người đứng đầu. Họ cần có tư duy mở, cần dám thay đổi và dám thử nghiệm, có thể là từng bước nhỏ tùy thuộc vào quy mô hoạt động và chiến lược phát triển của tổ chức.

Tuy nhiên, một điều khá tích cực là rất nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã thay đổi cách nhìn nhận về chuyển đổi số kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Có thể nói Covid-19 là một cú hích buộc chúng ta thích ứng và thay đổi nếu không muốn bị ngừng hoạt động.

- Trong bối cảnh đang có nhiều giải thưởng dành cho doanh nghiệp hiện nay, ông đánh giá Giải Chuyển đổi số Việt Nam có yếu tố cổ vũ, hỗ trợ như thế nào cho sự phát triển của Microsoft Việt Nam nói riêng và của cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung?

Ông Phùng Việt Thắng: Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu và Chính phủ cũng đã đưa ra Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Do đó, việc có nhiều những giải thưởng tôn vinh và vinh danh những giải pháp, công nghệ và tổ chức thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số là điều tôi hoàn toàn hưởng ứng và khuyến khích.

ông Phùng Việt Thắng chia sẻ về Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021

Chúng tôi đánh giá cao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - giải thưởng Quốc gia, được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện. Giải đã tổ chức được 4 năm với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

Cá nhân tôi đánh giá giải thực sự là một trong những nguồn động viên, cổ vũ lớn cho Microsoft Việt Nam chúng tôi và những đơn vị có sự đổi mới, có đóng góp xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm hiện thức hóa khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!