Tại buổi họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa diễn ra, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định lại quan điểm của Bộ TT&TT: “Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định".
"Trường hợp phát hiện các vi phạm, Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới), đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở Người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật”, ông Nguyễn Phong Nhã cho hay.
Ông Nhã thêm rằng, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh. Đến thời điểm hiện tại, kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao, các đơn vị đang tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông làm rõ một số nội dung và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, gửi các phản ánh có liên quan để tổ chức xác minh, xử lý nghiêm các sai phạm.
“Trong trường hợp phát hiện sai phạm, chắc chắn Bộ sẽ xử lý nghiêm và công bố công khai kết quả”, Cục trưởng Cục Viễn thông nói.
Theo ông Nhã, kết quả khảo sát cho thấy các SIM này đều có đầy đủ thông tin thuê bao và là các SIM đã tồn tại trong giai đoạn trước đây. Thực tế, các SIM này đều do 1 bộ phận người dân đã đăng ký SIM sau đó không dùng nữa, người sử dụng không còn là người đứng tên khi đăng ký nhưng không thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao.
Để hạn chế tình trạng này, Cục trưởng Cục Viễn thông mong muốn người dân chủ động tra cứu theo cú pháp TTTB [số giấy tờ] gửi 1414 và thông báo tới doanh nghiệp viễn thông nếu phát hiện có thuê bao mình không đứng tên đăng ký.
Về tình trạng doanh nghiệp sử dụng điện thoại cố định để phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết các cuộc gọi rác (tele-sale, tele-marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam call, fishing call) là vấn nạn chung của các nước trên thế giới.
Trong bối cảnh cơ quan quản lý nhà nước ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế, ngăn chặn thì các đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi.
“Vì vậy, đây là cuộc chiến lâu dài giữa cơ quan chức năng và các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để hưởng lợi, phạm tội, chỉ có thể thấy được các kết quả bước đầu chứ không thể có kết quả triệt để, chấm dứt hẳn vấn nạn này”, đại diện Cục Viễn thông bày tỏ.