Gần 50% người dùng điện thoại chỉ để gọi điện, nhắn tin

VietTimes -- Gần 50% số người sử dụng điện thoại trên thế giới vẫn chỉ dùng thiết bị của mình để gọi điện và nhắn tin. Tuy nhiên, con số này có thể giảm xuống 29% vào năm 2030 khi người dùng ở các nước đang phát triển được tiếp cận nhiều hơn với những công nghệ di động mới.
47% người dùng chưa khai thác hết các tính năng của điện thoại.
47% người dùng chưa khai thác hết các tính năng của điện thoại.

Nghiên cứu mới được công bố của tổ chức GSMA Intelligence đã thiết lập một bảng chỉ số GMEI để đánh giá mức độ khai thác các tính năng và dịch vụ trên điện thoại di động . Bảng chỉ số GMEI được lập dựa trên một khảo sát về người dùng do tổ chức này thực hiện vào năm 2016. GSMA Intelligence đã tiến hành khảo sát người dùng tại 56 thị trường toàn cầu, đại diện cho 80% dân số thế giới.

Hyunmi Yang, Giám đốc Chiến lược của GSMA cho biết: “Trong một thời đại mà smartphone có mặt ở khắp mọi nơi, chúng tôi cần phải thực hiện một khảo sát để dự báo những cơ hội tăng trưởng của ngành này trong tương lai. Sự tương tác giữa người dùng với điện thoại đang thay đổi, do điện thoại ngày một thông minh hơn, các dịch vụ đi kèm phong phú hơn và cộng đồng đang được kết nối nhiều hơn”.

Bảng chỉ số GMEI phân loại người dùng theo 4 cấp độ: Tín đồ (người dùng nhiều tính năng trên điện thoại nhất), Thực dụng, Vào mạng và Trò chuyện. Nghiên cứu cho thấy những người “Trò chuyện” chỉ sử dụng điện thoại để nhắn tin và gọi điện. Họ chiếm tới 47% số người dùng điện thoại di động trên thế giới. Tuy nhiên, con số này có thể giảm xuống 29% vào năm 2030 khi người dùng ở các nước đang phát triển được tiếp cận nhiều hơn với những công nghệ di động mới, cũng như họ sẽ có khả năng chi trả cho các mẫu điện thoại sẵn có trên thị trường.

Hàn Quốc là số 1 về khai thác tính năng, dịch vụ của điện thoại di động

- Hàn Quốc, Qatar và Mỹ là ba thị trường đạt điểm cao nhất về mức độ khai thác các tính năng và dịch vụ trên điện thoại di động.

- Tin nhắn SMS truyền thống vẫn được sử dụng nhiều hơn những tin nhắn IP ở một số thị trường phát triển, trong đó có Pháp và Mỹ.

- Những người trẻ tuổi chưa chắc đã dùng điện thoại nhiều hơn người già. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, hơn một phần tư số người dùng smartphone ở độ tuổi từ 51 đến 69.

- Tại một số thị trường, chẳng hạn như Myanmar, số người sở hữu điện thoại khá nhiều, nhưng lại ít sử dụng các tính năng và dịch vụ do những hạn chế về kiến thức công nghệ, cũng như thiếu các dịch vụ nội dung bản địa.

- Một số nước châu Phi có lượng người sử dụng dịch vụ tài chính trên smartphone khá cao, chẳng hạn như Kenya và Tanzania. Cứ 5 người thì có 4 người sử dụng dịch vụ tài chính trên di động.

- Hơn 70% người dùng toàn cầu xem video trực tuyến miễn phí trên điện thoại. 1/2 số người dùng đã xem hoặc phát lại các chương trình tivi trực tiếp trên smartphone.

- Hơn 70% người dùng đã tra tìm các sản phẩm và dịch vụ thông qua smartphone, nhưng chỉ có 1/2 số người nói trên thực hiện việc mua bán.

- Có tồn tại một khoảng cách về giới trong việc sử dụng internet trên di động tại một số thị trường. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, phụ nữ ít truy cập internet di động hơn nam giới.

Dưới đây là 10 quốc gia có điểm cao nhất trong bảng chỉ số GMEI

Thứ tự

Quốc gia

Điểm số

1

Hàn Quốc

5

2

Qatar

5

3

Mỹ

4,7

4

Ả rập Xê út

4,6

5

Đan Mạch

4,5

6

Phần Lan

4,5

7

Úc

4,5

8

Tây Ban Nha

4,4

9

Thụy Điển

4,4

10

Rumani

4,3

Theo Gsma