Theo thống kê của VietTimes, trong các ngày 13 và 14/8/2020, có hơn 127,46 triệu cổ phiếu VCG của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được sang tay qua phương thức thỏa thuận.
Với mức giá “khớp” từ 21.600 đồng/cp tới 23.800 đồng/cp, số cổ phần tương đương với 28,9% vốn điều lệ Vinaconex có giá trị chuyển nhượng lên tới 2.985,49 tỷ đồng.
Như VietTimes từng đề cập, lượng lớn cổ phiếu của Vinaconex đang được nắm giữ bởi những cổ đông/nhóm cổ đông lớn.
Trong đó, Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) nắm quyền chi phối với 254,9 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 57,71%. Hai cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) sở hữu lần lượt 94 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21,28%) và 33,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,57%). Ngoài ra, nhóm Hùng Túy cũng được cho là sở giữ khoảng 34,6 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng tỷ lệ 7,83%.
Như vậy, các giao dịch thỏa thuận mà VietTimes đề cập chắc chắn có liên quan tới những cổ đông lớn vừa nêu.
Thống kê các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VCG trong 2 ngày 13/8 và 14/8/2020
|
Đáng lưu ý, số lượng cổ phiếu VCG vừa được sang tay qua phương thức thỏa thuận đương với khối lượng cổ phiếu nắm giữ bởi Cường Vũ và Star Invest. Hai nhà đầu tư này đã bỏ ra khoảng 2.840 tỷ đồng để mua vào số lượng lớn cổ phiếu VCG từ năm 2018.
Các thỏa thuận chuyển nhượng số lượng lớn của phiếu VCG diễn ra gần như tương đồng với các động thái cho thấy nút thắt ở Khu đô thị mới An Khánh (Splendora An Khánh) đã được tháo gỡ.
Mới đây, ngày 13/8, HĐQT Vinaconex đã ban hành quyết định về việc tái cấu trúc phần vốn của tổng công ty này tại Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) – doanh nghiệp dự án Splendora An Khánh. Theo đó, HĐQT Vinaconex đã phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn điều lệ của tổng công ty này tại An Khánh JVC.
Sự thoái lui của Vinaconex mở đường cho việc phá vỡ thế cân bằng tại An Khánh JVC. Nơi mà sự bất đồng trong phát triển dự án giữa hai nhóm cổ đông lớn được cho là nguyên nhân chính khiến Splendora An Khánh bị đình trệ suốt nhiều năm.
Có thể nói, nút thắt tại Splendora An Khánh được cởi bỏ thì “game” Vinaconex cũng dần đi tới hồi kết.
Mà ở đó, Splendora An Khánh nhiều khả năng sẽ tiếp tục được phát triển bởi một tập đoàn địa ốc giàu tiềm lực và chuyên nghiệp trong nước. Còn Vinaconex giờ đây sẽ là cuộc chơi riêng của nhóm An Quý Hưng./.