“Tôi nhận được 8 câu hỏi. Số lượng câu hỏi này so với năm trước ít quá. Năm trước rất nhiều, đến cả tập câu hỏi” - ông Đào Ngọc Thanh mở đầu phần hỏi đáp tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) diễn ra sáng 29/6.
Song đánh giá ấy có vẻ mang nặng tính chủ quan. Bởi diễn biến thực tế ghi nhận tại đại hội lại cho thấy một không khí khác hẳn.
“Màn độc diễn” - nhiều kênh truyền thông đã mô tả phiên Q&A được vị Chủ tịch HĐQT sắp bước sang tuổi 75 của Vinaconex điều hành như sân khấu của riêng mình.
"Màn độc diễn" của ông Đào Ngọc Thanh
ĐHĐCĐ của Vinaconex sớm đặc quánh bầu không khí căng thẳng từ trước cả khi khai mạc, với các vòng kiểm soát an ninh gắt gao và quy cách tổ chức ngột ngạt. Bắt đầu từ 8h sáng, phiên họp kéo dài đến quá trưa. Vẫn như năm ngoái.
Nó thể còn kéo dài hơn nữa nếu phần thảo luận không bị Chủ tịch Đào Ngọc Thanh điều hành thiếu dân chủ đến độc đoán. Trong “màn độc diễn”, ông Thanh là người “biên tập” các câu hỏi và sau đó, chính ông thực hiện trả lời. Đáng chú ý, các câu hỏi phải được gửi bằng văn bản đến tận tay chủ tọa đoàn (thay vì phát biểu trực tiếp).
Cách điều hành này đã vấp phải sự phản đối từ một số cổ đông, buộc họ phải giơ phiếu biểu quyết để yêu cầu được phát biểu chất vấn ban lãnh đạo, trình bày các vấn đề/câu hỏi một cách tường minh, rõ ràng. Song, họ đã không được toại nguyện, bao gồm cả cổ đông được ban chủ tọa đại hội ghi “nợ” phần phát biểu từ đại hội năm trước.
Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh - với tư cách chủ tọa - đã không chấp thuận và nói rằng “chỉ trả lời theo phiếu đăng ký”. Không khí đại hội càng trở nên ngột ngạt.
“Năm trước tôi còn được phát biểu, năm nay không được phát biểu thì tôi cho rằng đấy là sự vi phạm. Lúc nào cũng nói là phải quy chế, quy chế, nhưng 30 phút giành cho cổ đông phát biểu thì ông Thanh dùng 29 phút cho mình nói.
Tính chất dân chủ, công khai và minh bạch đó là một yêu cầu tối thiểu của một phiên họp ĐHĐCĐ. Nếu như Chủ tịch căn cứ vào quy chế của đại hội, trong đó tại mục IV, thuộc quy chế đại hội có nêu quyền được phát biểu của các cổ đông. Ở đây nêu rõ, cổ đông có quyền được phát biểu ý kiến tại Đại hội. Đại hội lần này chỉ có một người nói là ông Chủ tịch.
Trong cái phát biểu ấy chủ yếu là ca ngợi mình. Một người khôn ngoan phải biết lắng nghe ý kiến phản biện của người khác xem người ta nghĩ gì và nói gì về mình, thì đại hội không làm được như thế. Tôi rất thất vọng về cách điều hành” - vị này bày tỏ.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề minh bạch, đảm bảo quyền lợi, vai trò của cổ đông lớn, vị Chủ tịch HĐQT Vinaconex khẳng định ban lãnh đạo luôn đảm bảo các quyền của cổ đông lớn và làm theo luật định.
“Đầu tiên là cổ đông thì phải đảm bảo, thể hiện bằng quyền được chia tiền, quyền lợi trong HĐQT. Càng ngày các cổ đông càng hiểu nhau hơn và đoàn kết hơn, thể hiện là các anh đến đây hôm nay rất đoàn kết. Việc hôm nay không đồng ý việc này, mai không thống nhất việc kia là bình thường” - ông Thanh nói.
Người đứng đầu Vinaconex thậm chí còn gửi lời khuyên, rằng nếu các cổ đông lớn thấy rằng không đảm bảo quyền lợi thì có thể đi khiếu nại, kiện ra tòa.
Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông tại Vinaconex liệu có thực chất khi có cổ đông lớn đã gửi những văn bản nêu ý kiến dài kín cả vài trang giấy cho biết mọi góp ý, kiến nghị của họ đều bị HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) bác bỏ (!?).
Đáng chú ý, các thành viên trong HĐQT và BKS đại diện cho nhóm này cũng không được cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin về tình hình hoạt động của tổng công ty, đặc biệt là báo cáo về dòng tiền hàng tháng như trước đây để tham gia ý kiến và thực hiện giám sát hoạt động quản trị, điều hành.
Cần lưu ý rằng, năm 2019, dòng tiền kinh doanh trên báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex âm tới 1.493 tỷ đồng trong khi của năm 2018 chỉ là âm 50 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên ban điều hành do nhóm An Quý Hưng nắm giữ các vị trí chủ chốt đi vào hoạt động. Nếu như đúng những gì các cổ đông lớn nói trên phản ánh, thì việc dùng tiền tại Vinaconex nhiều khả năng chỉ còn là “cuộc chơi” riêng của nhóm An Quý Hưng.
Nói về dòng tiền âm, theo ông Thanh, gọi là dòng tiền thì phải mang tính thời gian, có thời gian để hoàn vốn. Vinaconex có thuận lợi là có lượng vốn tốt, thậm chí có lượng tiền dư thừa để cho ngân hàng vay, thu lợi từ lãi suất cao hơn lãi vay.
Nhưng có vẻ vị Chủ tịch này đã hơi lạc quan với sức khỏe tài chính của Vinaconex. Nên nhớ, tại đại hội lần này, HĐQT Vinaconex còn trình các cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Một trong những mục đích sử dụng vốn là để triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort ven biển Tuy Hòa (xã Bình Kiến, tp. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) mà Vinaconex mới được công nhận trúng đấu giá từ tháng 8/2019.
Theo tìm hiểu của VietTimes, dự án Condotel Resort ven biển Tuy Hòa có tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, với tiến độ hoàn thành công trình không quá 24 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa.
Chia sẻ với cổ đông, ông Thanh thừa nhận năm 2019, Vinaconex đã thực hiện một loạt dự án đầu tư chưa mang lại lợi nhuận, như việc trúng thầu dự án ở Phú Yên.
“Các anh biết rồi, mua cả một khu đất để làm khách sạn nghỉ dưỡng ở bãi biển thì phải trả tiền ngay” - ông Thanh cho biết./.