Vinaconex: 870 tỷ đồng rót “dễ” vào Hòa Phú và cái bắt tay ít biết giữa An Quý Hưng và Phú Mỹ Group

VietTimes – Hơn một năm sau ngày về tay các ông chủ tư nhân, "game" Vinaconex (Mã chứng khoán: VCG) vẫn chưa hết nóng. Cứ sau mỗi kỳ ĐHĐCĐ, thị trường, đặc biệt là trên các diễn đàn báo chí kinh tế và đầu tư, người ta lại phát lộ thêm những góc mới của cuộc chơi kinh điển này. Mới nhất là về "cái bắt tay ít biết" giữa An Quý Hưng và Phú Mỹ Group...
Phối cảnh KCN Hòa Phú mà Vinaconex góp vốn đầu tư cùng thành viên Phú Mỹ Group (Nguồn: Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang)
Phối cảnh KCN Hòa Phú mà Vinaconex góp vốn đầu tư cùng thành viên Phú Mỹ Group (Nguồn: Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang)

Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa qua của Vinaconex (Mã chứng khoán: VCG) lại thêm một lần làm nóng giới đầu tư và truyền thông. Nó tiếp tục được tổ chức với tinh thần không có nhiều thay đổi với năm trước: an ninh thắt chặt nhiều vòng, tình trạng phá sóng vẫn diễn ra, máy quay phim, máy ảnh ghi lại từng động thái của cổ đông.

Năm nay, các cổ đông thậm chí không còn được đặt câu hỏi trực tiếp như kỳ đại hội trước, mà phải viết vào phiếu rồi mới được Chủ tịch Đào Ngọc Thanh lựa chọn trả lời.

Không ít nội dung chất vấn còn chẳng được vị Chủ tịch Vinaconex đề cập trong phần “độc diễn” kéo dài gần 30 phút. Điều này khiến nhiều cổ đông bày tỏ thái độ bức xúc, không khí đại hội trở nên căng thẳng.

Màn “độc diễn” của Chủ tịch Vinaconex khiến cổ đông bức xúc
Tại phiên họp năm nay, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi chất vấn ban điều hành về việc “dùng tiền” của Vinaconex.

Hơn 1 năm dưới sự điều hành của ban lãnh đạo có các vị trí chủ chốt đều là người của An Quý Hưng, Vinaconex có nhiều khoản ứng trước hào phóng, những thương vụ “lạ” khiến dòng tiền kinh doanh của tổng công ty càng âm hơn.

Ở một thương vụ kín tiếng, Vinaconex có khoản góp vốn lên tới gần 870 tỷ đồng với Công ty TNHH Hòa Phú Invest (Hòa Phú Invest) – thành viên của Phú Mỹ Group - với nhiều điều kiện có lợi cho đối tác.

Khoản đầu tư “dễ tính”

 Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngày 20/8/2019, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông ký tờ trình số 15464/2019/TTr-ĐT về phương án hợp tác đầu tư dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Chỉ 3 ngày sau, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh đã ký Quyết định số 0586/2019/QĐ-HĐQT phê duyệt thương vụ đầu tư này. Đáng chú ý, quyết định thể hiện ông Đào Ngọc Thanh thay mặt HĐQT VCG ký phê duyệt, nhưng nó lại không nêu căn cứ theo biên bản họp HĐQT.

Dự án Khu công nghiệp Hòa Phú có quy mô 207,45 ha, vốn đầu tư 1.933 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex góp 896,85 tỷ đồng, còn Hòa Phú Invest góp phần vốn còn lại, tỷ lệ góp vốn là 45:55.

Thay vì cử người quản lý, điều hành, Vinaconex sẽ ủy quyền cho Hòa Phú Invest chủ động thực hiện triển khai các công việc đầu tư của dự án. Trong trường hợp Vinaconex có nhu cầu rút sớm, phía Hòa Phú Invest cam kết sẽ trả thêm lãi 10%/năm.

Vinaconex dưới thời An Quý Hưng có nhiều thương vụ góp vốn hào phóng
Vinaconex dưới thời An Quý Hưng có nhiều thương vụ góp vốn hào phóng 

Việc Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT cùng nhau trình và phê duyệt phương án đầu tư tựa như một khoản vay không có bảo đảm, không có biện pháp kiểm soát sử dụng vốn hẳn khó có thể các cổ đông Vinaconex an tâm đồng thuận. Và không phải ai cũng hiểu những con tính đằng sau thương vụ.

“Cái bắt tay kín” giữa An Quý Hưng và Phú Mỹ Group

Được trao gửi số tiền gần 870 tỷ đồng, song, theo dữ liệu của VietTimes (cập nhật đến ngày 14/11/2017) quy mô vốn của Hòa Phú Invest mới chỉ ở mức 90 tỷ đồng.

Hẳn không tự nhiên mà Hòa Phú Invest nhận được niềm tin lớn đến vậy từ dàn lãnh đạo chóp bu ở Vinaconex, mà thực chất là những đại diện của nhóm An Quý Hưng (!?).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Hòa Phú Invest là thành viên do CTCP Tập đoàn Phú Mỹ (Phú Mỹ Group) của đại gia Chu Đức Lượng (SN 1969) nắm giữ 100% vốn.

Mà Phú Mỹ Group lại chính là một trong những nhà đầu tư đã góp vốn cùng An Quý Hưng trong thương vụ thâu tóm Vinaconex. Chi tiết này chỉ mới được phát lộ, trên một số diễn đàn báo chí đầu tư.

Theo đó, hai tuần trước phiên đấu giá, ngày 5/11/2018, Phú Mỹ Group và An Quý Hưng đã ký hợp đồng liên danh nhà đầu tư. Tập đoàn này đã chuyển cho An Quý Hưng số tiền 630 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,9% vốn Vinaconex (theo mức giá trúng 28.900 đồng/cổ phiếu).

Vợ chồng doanh nhân Chu Đức Lượng – Nguyễn Thị Diệu Hiền còn được cho là đã chủ động gom ngoài thêm một lượng cổ phiếu của Vinaconex đáng kể khác.

Công ty mẹ của Vinaconex cạn tiền?

Nỗi lo của các cổ đông tại Vinaconex còn lớn hơn bội phần, nếu biết rằng công ty mẹ của Vinaconex – An Quý Hưng – dường như đang cạn tiền.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của An Quý Hưng đạt 8.126 tỷ đồng, giảm 4.543 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là khoản đầu tư vào công ty con với giá trị ghi nhận hơn 7.347 tỷ đồng.

Đà giảm của tổng tài sản chủ yếu đến từ sự thay đổi khoản phải thu ngắn hạn, từ 4.283 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 97,7 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Đáng chú ý, lượng tiền của An Quý Hưng tại thời điểm cuối năm 2019 chỉ ở mức 5 tỷ đồng (đầu năm 2019 là 18,6 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu tài sản.

Nhóm An Quý Hưng đang “căng” tiền sau thương vụ Vinaconex?
Trong khi đó, quy mô vốn điều lệ của An Quý Hưng vẫn được giữ nguyên ở mức 500 tỷ đồng.
Nguồn vốn của công ty chủ yếu đến từ các khoản nợ phải trả với giá trị ghi nhận cuối năm 2019 lên tới 7.510 tỷ đồng (phần lớn là các khoản phải trả dài hạn khác với giá trị ghi nhận đạt 6.942,6 tỷ đồng).

Sau khi thâu tóm Vinaconex, hoạt động kinh doanh của An Quý Hưng có chiều hướng đi xuống.

Năm 2017, An Quý Hưng ghi nhận doanh thu đạt 956 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 62,3 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu của An Quý Hưng giảm chỉ còn 653 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1,28 tỷ đồng.

Bước sang năm 2019, doanh thu của An Quý Hưng chỉ đạt 566 tỷ đồng, giảm 13,3% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh chính suy giảm, song, An Quý Hưng lại ghi nhận nguồn doanh thu tài chính tăng mạnh, đạt 49,76 tỷ đồng (cao gấp 13,6 lần so với năm 2018).

Trong khi đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh, với giá trị ghi nhận năm 2019 đạt 53,5 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm 2018.

Góc nhìn khác về cơ cấu sở hữu tại Vinaconex

Cơ cấu sở hữu của các “tay chơi” trong “game” Vinaconex phần nào còn được hé lộ thêm tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Cụ thể, phiên họp có sự tham gia của 425,8 triệu cổ phần, tương đương 96,4% cổ phần Vinaconex. Trong đó, ông Đào Ngọc Thanh (Chủ tịch HĐQT) đại diện cho 120 triệu cổ phiếu, ông Nguyễn Xuân Đông (Tổng Giám đốc) đại diện cho 114 triệu cổ phiếu, ông Dương Văn Mậu (Thành viên HĐQT) đại diện cho 55 triệu cổ phiếu, ông Thân Thế Hà (Thành viên HĐQT) đại diện cho 91 triệu cổ phiếu, ông Nguyễn Quang Trung (Thành viên HĐQT) đại diện cho 33 triệu cổ phiếu, và ông Nguyễn Hữu Tới đại diện 6 triệu cổ phiếu.

Tổng khối lượng cổ phiếu các ông Nguyễn Xuân Đông, Đào Ngọc Thanh và Dương Văn Mậu đại diện là 289 triệu đơn vị, tương đương 65,4% cổ phần Vinaconex. Số cổ phần này cũng tương đồng với tỷ lệ sở hữu đã được biết tới của An Quý Hưng (57,7%) và Hùng Túy (7,8%)./.