Theo Ars Technica, hơn 10 năm qua, Fitbit luôn là một trong những "ông lớn" trong cuộc chơi thiết bị đeo tay thông minh. Tuy nhiên, trong khi các hãng khác lần lượt tung ra những chiếc smartwatch thì đến tận Quý 3 năm 2017 này, Fitbit mới chịu tung ra một chiếc smartwatch đúng nghĩa (chiếc Fitbit Blaze ra mắt năm ngoái tuy trông giống smartwatch, nhưng vẫn chỉ được xếp vào hàng smartband) để cạnh tranh với Apple Watch hay các thiết bị AndroidWear.
Với giá 299 USD (khoảng 6,8 triệu đồng), Fitbit Ionic được kỳ vọng là một lựa chọn sáng giá đối với những fan của Fitbit nói riêng và fan của các thiết bị đeo tay thông minh chuyên mục đích thể thao nói chung. Tuy nhiên, fan của Pebble sẽ khó mà chấp nhận điều này, khi mà Fitbit mua Pebble gần như với mục đích "tiêu diệt đối thủ" hơn là tiếp tục phát triển, nhất là khi sản phẩm mới của hãng gần như không có chút liên hệ gì đối với Pebble.
Phần cứng
Fitbit Ionic giống như một đứa con lai giữa Fitbit Blaze và Surge, với phần đồng hồ nguyên khối cùng dây đeo có thể tách rời được. Phần đồng hồ được làm từ hợp kim nhôm chuyên dùng trong ngành vũ trụ, sử dụng công nghệ đúc nano (nung chảy kim loại và plastic để tạo ra một khối liền mạch cứng cáp nhưng có khối lượng khá nhẹ).
Điều này cũng giúp Ionic trở nên rất nhỏ gọn nhờ gộp tất cả các loại ăng-ten Wifi, Bluetooth và GPS vào trong thân đồng hồ. Thiết kế của Ionic cho phép thay dây dễ dàng, chứ không cần phải "cắn răng cắn lợi" đẩy phần đồng hồ ra khỏi dây đeo như trên Fitbit Blaze.
Fitbit Ionic cũng có các nút tương tự Blaze: một nút bên trái dùng để bật nguồn, hai nút bên phải dùng trong khi tập luyện để tạm ngưng và lưu dữ liệu. Tuy Ionic có màn hình cảm ứng với màu sắc rất hài hoà, nhưng các nút bấm này nhìn chung sẽ giúp người dùng điều khiển đồng hồ dễ dàng hơn ngay cả khi ngón tay đang ướt mồ hôi do tập luyện.
Màn hình Ionic có độ sáng lên đến 1.000 nits, hiển thị rất tốt khi xem dưới ánh sáng mặt trời.
Các cảm biến
Bên trong Ionic, ngoài các cảm biến thường thấy như gia tốc, phát hiện chuyển động, còn có cảm biến nhịp tim quang học, GPS, NFC, cảm biến SpO2, và bộ nhớ trong 2,5 GB để lưu nhạc. Cảm biến nhịp tim quang học được cho là một bản nâng cấp nhẹ so với cảm biến trên Fitbit Alta HR cả về thiết kế lẫn thuật toán.
Mặt dưới của Ionic phẳng, cho phép cảm biến nhịp tim hoạt động chính xác hơn. Các thiết bị đeo tay thông minh khác thường có mặt dưới bầu, hoặc có những vân nổi xung quanh cảm biến nhịp tim, vô tình tạo áp lực lên khu vực cổ tay, làm lệch kết quả cảm biến. Có thể thấy Fitbit đã rất tinh tế khi thiết kế Ionic.
Một cảm biến khác làm người dùng khá ngạc nhiên là SpO2, giúp theo dõi lượng Oxi trong máu. Fitbit cam kết rằng cảm biến này sẽ giúp thiết bị cảnh báo người dùng về chứng ngưng thở khi ngủ. Bởi bạn càng dễ mắc chứng này khi lượng oxy trong máu không đủ, do đó Fitbit hi vọng Ionic sẽ là người trợ lý luôn sẵn sàng cảnh báo bạn nếu trường hợp này có thể xảy ra và khi nào nó sẽ xảy ra.
Ionic còn có chip NFC để hỗ trợ thanh toán thông minh, và có bộ nhớ trong đủ chứa hàng chục bài nhạc MP3. Đây là thiết bị đầu tiên của Fitbit hỗ trợ thanh toán thông minh, thông qua một nền tảng do Fitbit thiết kế mang tên FitbitPay. Cách sử dụng khá đơn giản: nạp thông tin thẻ của bạn vào Fitbit Pay thông qua ứng dụng Fitbit trên điện thoại và đặt nó làm thẻ chính (bạn có thể nạp nhiều thẻ nhưng mỗi lần chỉ được chọn 1 thẻ làm thẻ chính cho thanh toán). Sau đó khi thanh toán bạn chỉ cần đưa Ionic lên máy quét, ngay khi thanh toán xong thì thông tin về thanh toán sẽ hiển thị trên điện thoại lẫn trên Ionic. Fitbit Pay hỗ trợ American Express Visa, Master Card. Hiện chưa có ngân hàng nào hỗ trợ Fitbit Pay như Fitbit cho biết đang liên hệ với các ngân hàng để tính năng này sớm hoạt động.
Ionic có thể chứa và phát nhạc, do đó bạn có thể dùng tai nghe không dây và vừa chạy bộ vừa nghe nhạc mà không cần điện thoại. Bạn có thể tải nguyên playlist từ Pandora nếu sử dụng gói Plus hoặc Premium, hoặc chép nhạc từ máy tính thông qua phần mềm của hãng cung cấp. Để phục vụ việc nghe nhạc, Fitbit cũng giới thiệu một cặp tai nghe không dây mang tên Fitbit Flyer, và VNReview sẽ có bài giới thiệu về cặp tai nghe này sau.
Fitbit Ionic là một trong số những thiết bị hiếm hoi của Fitbit có thể theo dõi việc bơi lội, và tất nhiên để theo dõi bơi lội thì Ionic phải chống nước. Được biết, Ionic chống nước lên tới 50m.
Về pin thì Fitbit cho biết Ionic có thể hoạt động liên tục ít nhất 4 ngày, hoặc 10 tiếng nếu dùng GPS hoặc nghe nhạc, tốt hơn nhiều so với phần lớn smartwatch trên thị trường (Apple Watch Series 2 chỉ trụ được 2 ngày, còn các thiết bị Android Wear thì chỉ được 1 ngày). Tất nhiên, nó không thể so sánh được với những chiếc Pebble "nồi đồng cối đá", nhưng với một thiết bị đầy đủ tính năng như Ionic thì 4 ngày là quá tuyệt rồi.
Phần mềm
Mọi thứ trên Ionic đều là "của riêng" của Fitbit, kể cả hệ điều hành. Nó không chạy trên Android Wear, và càng không phải watchOS, mà là hệ điều hành riêng do chính Fitbit viết nên và sẽ tiếp tục sử dụng trên các smartwatch tương lai của hãng.
Giao diện hiện tại của hệ điều hành này khá đơn giản: mặt đồng hồ có thể thay đổi được, mặc định sẽ hiển thị số bước đi, nhịp tim, và số calories bạn đã đốt khi chạm vào màn hình. Vuốt sang trái sẽ cho thấy danh sách các "ứng dụng", gồm tập luyện, thời thiết, ví, cài đặt, giải trí, và hướng dẫn tập luyện. Hiện đã có một vài ứng dụng bên thứ ba có thể cài gồm Starbuck, Strava...
Tất nhiên, Ionic có thể nhận thông báo tin nhắn, cuộc gọi, lịch, hay bất kỳ thông báo ứng dụng nào được chuyển đến điện thoại của bạn. Sau khi cài đặt Ionic nhận thông báo, bạn chỉ cần bật ứng dụng Fitbit trên điện thoại và cho phép thông báo được chuyển đến Fitbit, và lựa chọn ứng dụng nào sẽ có thể gởi thông báo.
Giao diện thông báo khá đơn giản: chỉ chủ đề và tên người gởi được hiển thị trên Ionic, bạn không thể trả lời hay làm bất kỳ gì khác.
Trên ứng dụng Fitbit có một phần gọi là "app gallery" - một kho ứng dụng nơi bạn có thể tìm và tải các app, mặt đồng hồ cho Fitbit. Ngoài ra, Fitbit còn cung cấp một ứng dụng là Fitbit Studio để các lập trình viên tạo app và mặt đồng hồ cho Ionic. Fitbit Studio chạy trên nền web, mọi mặt đồng hồ và ứng dụng đều được viết bằng Javascript, CSS và SVG, quá đơn giản.
Cuối cùng, thứ làm nên thương hiệu Fitbit bấy lâu nay là các chế độ hỗ trợ tập luyện, với các chế độ tập 10 phút, 7 phút, 20 phút, và nhiều chế độ khác đòi hỏi bạn phải trả tiền theo tháng để sử dụng. Nhìn chung các chế độ này hoạt động rất tốt trên Ionic, đặc biệt là chức năng hướng dẫn qua audio, truyền thẳng đến các thiết bị bluetooth khác như tai nghe Fitbit Flyers.
So với Apple Watch hay Android Wear, Fitbit Ionic hiển nhiên sẽ thiếu nhiều thứ. Nhưng những thứ quan trọng mà bạn đặt ra khi chọn Fitbit như độ bền bỉ, đơn giản, các chế độ tập luyện, kháng nước... sẽ không làm bạn thất vọng. Đây là một nền tảng mới đầy tiềm năng, và Fitbit có vẻ như đang đi đúng hướng vào thị trường smartwatch với Ionic.
Fitbit Ionic có giá 299 USD (6,8 triệu đồng), sẽ được bán ra vào tháng 10 năm nay. Fitbit cũng đã hợp tác với Adidas để sản xuất một phiên bản đặc biệt dự kiến ra mắt vào đầu năm 2018.
http://vnreview.vn/tin-tuc-san-pham-moi/-/view_content/content/2257520/fitbit-gioi-thieu-dong-ho-thong-minh-ionic-quyet-day-pebble-vao-di-vang