Facebook tiếp tục trả tiền cho báo chí Pháp, Việt Nam thì đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong thỏa thuận mới nhất vừa thiết lập, Facebook đã thống nhất việc chi trả nhuận bút cho các nội dung tin tức được người dùng trang mạng xã hội này chia sẻ cho một số hãng truyền thông Pháp.

Thông báo của Facebook cho biết thỏa thuận với Liên minh các tờ báo khu vực và quốc gia Pháp (APIG) "đồng nghĩa với việc mọi người sử dụng Facebook sẽ được tiếp tục đăng tải và chia sẻ tin tức tự do trong các cộng đồng của mình, trong khi đảm bảo rằng bản quyền của các đối tác xuất bản sẽ được bảo vệ".

Facebook cho biết bên cạnh việc chi trả nhuận bút tin tức cũng sẽ khởi động một dịch vụ tin tức tại Pháp, mang tên Facebook News vào tháng 1/2022 để "đem đến cho mọi người một không gian có thể truy cập nội dung từ các nguồn uy tín và nổi tiếng".

Thỏa thuận trên được xem là một thành công của Pháp trong cuộc chiến bảo vệ quyền xuất bản của các hãng tin và báo chí.

Facebook buộc phải trả tiền bản quyền báo chí trước sức ép của các cơ quan báo chí, truyền thông ở nhiều nước.
Facebook buộc phải trả tiền bản quyền báo chí trước sức ép của các cơ quan báo chí, truyền thông ở nhiều nước.

Trước đó, tháng 2/2021, Thượng viện và Hạ viện Úc đã thông qua dự luật của Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Úc (ACCC) đệ trình về việc Facebook, Google phải chi trả nhuận bút tin tức báo chí.

Sau đó, Facebook đã đạt được dàn xếp với News Corp và Nine Entertainment trong một thỏa thuận không được tiết lộ lên tới nhiều triệu USD mỗi năm. Theo nhà phân tích ở Morningstar, mô hình của Úc có thể đem về khoảng 150 triệu USD mỗi năm mà các nước khác có thể học hỏi.

Mới hơn, Facebook tiếp tục nhượng bộ và trả tiền cho các cơ quan báo chí nhỏ hơn dưới dạng tài trợ quỹ. Số tiền ở thỏa thuận này không được tiết lộ, nhưng Facebook và Country Press Australia (CPA) đã ký một thư ngỏ dẫn tới thỏa thuận chung trong nhiều năm tới. CPA là tổ chức đại diện cho 81 nhà xuất bản tin tức với 160 ấn bản địa phương trải khắp nước Úc. CPA đã được ACCC ủy quyền đại diện làm việc với Facebook và Google trong việc đòi lại tiền từ các nền tảng số.

Thành công của báo giới Úc đã mở đường cho các nước như Mỹ, Anh, Pháp tìm ra cách thu tiền từ Facebook và Google hoặc ít nhất là gây sức ép để Big Tech chia lại miếng bánh cân bằng hơn.

Theo đó, Google đang phải triển khai News Showcase như một cách để trả tiền bản quyền nội dung cho báo chí với cam kết con số ban đầu khoảng 1 tỷ USD. Tính năng này hiện đã có mặt ở 8 nước là Anh, Úc, Đức, Brazil, Argentina, Ý, CH Séc và Ấn Độ.

Facebook cũng đang triển khai mục News ở Anh với chi phí bản quyền tin tức phải trả không được tiết lộ. Nhưng mạng xã hội này đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để hỗ trợ báo chí trên toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa với việc, các cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng sẽ nằm trong kế hoạch của Facebook và Google và vấn đề chỉ còn là thời gian. Nhưng để buộc Facebook trả tiền cho báo chí Việt Nam, phải cần tới một đạo luật buộc các nền tảng xuyên biên giới phải trả tiền cho cơ quan báo chí hoặc đưa hoạt động của Facebook và Google ở Việt Nam theo các quy định mới, đặc biệt là thuế và vi phạm bản quyền.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, c ơ quan báo chí cần chủ động xúc tiến thành lập liên minh bảo vệ bản quyền. Hiện nay, cơ quan báo chí bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là trên các trang tin điện tử tổng hợp, nền tảng xuyên biên giới… nhưng một cơ quan báo chí riêng lẻ sẽ không đủ nguồn lực rà soát cả không gian mạng rộng lớn để tìm ra đơn vị ăn cắp bản quyền. Do vậy, điều cơ quan báo chí cần và nên làm ngay là thành lập liên minh rà soát các nơi vi phạm bản quyền, đấu tranh đòi các đơn vị vi phạm bản quyền phải trả phí.

Theo Báo Đầu tư