Facebook hạn chế tính năng phát trực tiếp sau vụ khủng bố ở New Zealand

VietTimes -- Việc chỉnh sửa lại các quy tắc của Facebook được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ quan điểm ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng New Zealand Ardern nhằm chống lại các nội dung khủng bố trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại từ chối chiến dịch này.
Ảnh: True Median
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cùng các nhà lãnh đạo khác trong cuộc họp chống lại nội dung khủng bố trực tuyến được tổ chức tại Cung điện Elysee ở Paris, Pháp, ngày 15 tháng 5 năm 2019. Ảnh: Reuters

Đây được coi như một động thái bày tỏ sự ủng hộ của “gã khổng lồ công nghệ” đối với chiến dịch có tên là “Christchurch Call” của Thủ tướng New Zealand để tưởng nhớ đến những nạn nhân đã mất trong vụ xả súng ở hai nhà thờ Hồi giáo. Tay súng đã phát trực tiếp vụ giết người của anh ta lên Facebook khoảng hơn một giờ trước khi bị xóa.

Tuy vậy, Nhà Trắng đã từ chối việc cử một phái đoàn đến cuộc họp do Tổng thống Pháp Pháp Emmanuel Macron chủ trì. Washington cho biết không tán thành sáng kiến của Ardern mặc dù vẫn ủng hộ các mục tiêu chống lại nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.

Trong một tuyên bố mới, Facebook giới thiệu chính sách hạn chế dịch vụ phát trực tiếp đối với những tài khoản vi phạm quy tắc hoạt động của công ty. Công ty sẽ xác định xem hành vi nào sẽ bị xem là vi phạm và sẽ cấm tài khoản vi phạm phát trực tiếp trong khoảng thời gian quy định.

Facebook đang bị kiểm tra gắt gao trong những năm gần đây vì các vụ bê bối liên quan đến việc để người dùng đăng tải thông tin sai lệch, vi phạm quyền riêng tư và độc quyền thị trường mạng truyền thông xã hội. Gã khổng lồ vẫn đang nỗ lực giải quyết những lo ngại này.

Andern gọi những thay đổi được công bố vào hôm thứ Tư của Facebook là bước khởi đầu để hạn chế việc ứng dụng này bị những kẻ khủng bố lợi dụng và cho thấy chiến dịch “Christchurch Call” đang được thực hiện.

Tại sao Mỹ từ chối tham gia?

Tổng thống Pháp Macron đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào thứ Tư trong đó có sự tham dự của Thủ Tướng New Zealand Ardern, Thủ tướng Anh Theresa May, Justin Trudeau của Canada và các nhà lãnh đạo để hỗ trợ sáng kiến của bà Ardern. Các bên đưa ra tuyên bố chung khuyến khích các cơ quan truyền thông áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức trên mạng xã hội nhằm tránh việc khuyến khích nội dung khủng bố và cực đoan trên mạng xã hội. Các quốc gia bao gồm Úc, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ấn Độ và Thụy Điển cũng như các ông lớn công nghệ Mỹ như Microsoft, Google, Amazon cho biết họ ủng hộ sáng kiến này.

Tuy nhiên Mỹ đã không tham dự và từ chối lời kêu gọi này. Nguyên nhân chính là do Washington lo ngại các biện pháp đưa ra trong chiến dịch này sẽ đụng độ đến quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Mỹ tuyên bố. "Chúng tôi ủng hộ nỗ lực chống lại nội dung khủng bố trực tuyến đồng thời cũng tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí", phát ngôn viên của Nhà Trắng nói. Quyết định này đặt Hoa Kỳ vào thế bất hòa với các công ty công nghệ Hoa Kỳ bao gồm Facebook và Google, dự kiến sẽ hỗ trợ chiến dịch này.

Theo Reuters