Facebook bị tố vi phạm luật cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
FTC đang hoàn tất cáo trạng sau hơn một năm điều tra Facebook, nhấn mạnh mạng xã hội lợi dụng sự thống trị của mình để đè bẹp đối thủ.
Facebook bị tố vi phạm luật cạnh tranh
Facebook bị tố vi phạm luật cạnh tranh

Các công tố viên tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết, Facebook đã vi phạm luật cạnh tranh khi hạn chế hoặc loại các công ty khởi nghiệp dùng tính năng "Liên kết ứng dụng với Facebook" do mạng xã hội này cung cấp.

CEO Facebook Mark Zuckerberg sẽ bị điều trần trong tuần này. Ảnh: Reuters.
CEO Facebook Mark Zuckerberg sẽ bị điều trần trong tuần này. Ảnh: Reuters.

Facebook hiện cung cấp tính năng cho phép hàng nghìn ứng dụng bên thứ ba kết nối với mạng xã hội. Chẳng hạn, các ứng dụng như Spotify hoặc Tinder có thể "quét" những người đang sử dụng dịch vụ của họ trên Facebook, từ đó đưa ra các gợi ý về nội dung hoặc kết bạn.

Tuy nhiên, những phần mềm khác như Vine - ứng dụng video thuộc sở hữu của Twitter, hay dịch vụ chat nổi tiếng MessageMe đã bị Facebook thu hồi quyền này. Nguyên nhân được cho là do Mark Zuckerberg coi những ứng dụng trên là "mối đe dọa" với hoạt động kinh doanh.

Một báo cáo từ chính phủ Mỹ tháng này tuyên bố rằng, Facebook đã "vũ khí hóa" tính năng cho phép bên thứ ba kết nối với nền tảng của mình. Một số email nội bộ do ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Hạ viện Mỹ công bố cách đây hai năm cho thấy, khi được hỏi liệu Facebook có nên "cắt đứt" với Vine hay không, Zuckerberg đã trả lời "Đúng vậy, hãy làm đi".

Ngược lại, mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng tỏ ra ưu ái hơn với Instagram và WhatsApp, hai ứng dụng mà họ mua lại nhiều năm trước. Chẳng hạn, công ty cho phép người dùng Facebook trao đổi tin nhắn liên thông với chủ tài khoản Instagram.

Luật cạnh tranh của Mỹ có điều khoản cho phép truy tố một công ty nếu họ sử dụng cái gọi là "từ chối giao dịch" với các đối thủ nếu mục đích là duy trì sự độc quyền. Điều này có thể khiến Facebook sắp phải đối mặt với các động thái pháp lý từ chính phủ Mỹ.

Facebook hiện là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2,7 tỷ người dùng. Với cơ sở dữ liệu khổng lồ này, việc được quyền truy cập vào tính năng "Liên kết ứng dụng với Facebook" được coi là yếu tố quan trọng cho bất cứ phần mềm mới phát triển nào. Nếu không có, nhà phát triển chỉ còn cách yêu cầu người dùng tự tạo danh sách bạn bè theo cách thủ công trên ứng dụng mới, hoặc dựa vào danh bạ được lưu trong smartphone.

FTC từng kỳ vọng sẽ "đưa Facebook ra ánh sáng" trước cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra tháng 11, sớm nhất là cuối tháng 10. Tuy nhiên, những bất đồng nội bộ đã khiến việc công bố bị trì hoãn.

Theo một số nguồn tin, các hành vi của Facebook có thể được công bố sớm nếu năm ủy viên phụ trách cơ quan quản lý chống độc quyền của Mỹ quyết định tiến hành. Tuần trước, những ủy viên được cho là đã gặp nhau để thảo luận các vấn đề, bao gồm việc liệu Facebook có mua Instagram và WhatsApp để duy trì vị thế thống trị hay không.

Ngày 21/10, Bộ Tư pháp Mỹ cùng 11 tiểu bang cũng đã đệ đơn kiện Google, cáo buộc công ty độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo. Google đã bác bỏ các tuyên bố và nói rằng vụ kiện là "thiếu sót sâu sắc".

Ngày 28/10 tới, Zuckerberg sẽ cùng Jack Dorsey (CEO Twitter) và Sundar Pichai (CEO Google) ra điều trần trước Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ. Cả ba sẽ phải trả lời các nội dung liên quan đến vấn đề kiểm duyệt trên nền tảng của mình. Phiên điều trần dự kiến diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Theo VnExpress