“Tiêu chuẩn cộng đồng" mới mà cũ
”Facebook vừa công bố hướng dẫn nội bộ dành cho các nhân viên kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, Facebook tỏ quyết tâm muốn làm tăng sự minh bạch trong cách công ty quản lý 2,2 tỷ người dùng. Ngoài ra, Facebook cam kết sẽ lập tức phản hồi tất cả các khiếu nại.
Hiện tại, Facebook đang nỗ lực khắc phục khủng hoảng niềm tin sau bê bối liên quan tới Cambridge Analytica. Công ty nghiên cứu chính trị của Anh đã được quyền truy cập trái phép thông tin cá nhân của 87 triệu tài khoản. Động thái này, một mặt sẽ giúp Facebook cải thiện hình ảnh, tránh những chỉ trích vô căn cứ. Mặt khác, người dùng có thể nắm rõ thứ gì được phép đăng tải để tránh bị gỡ bài hay thậm chí là chặn tài khoản.
Bộ “Tiêu chuẩn cộng đồng“ trước đây giải thích khá ngắn gọn về chính sách toàn cầu của Facebook. Nhưng trong nhiều năm, công ty vẫn duy trì một bộ quy tắc khác dành cho nhân viên kiểm duyệt nội dung. Bộ quy tắc thứ 2 đã bị rò rỉ trên The Guardians vào tháng 5 năm ngoái, và đây là lần đầu tiên nó được chính thức công bố.
“Tiêu chuẩn cộng đồng” mới (xem tại đây) dài 8.500 chữ giải thích chi tiết về các nội dung bị cấm đăng tải như: Các nội dung bất hợp pháp, bạo lực, tình dục, gây tranh cãi với ngôn từ mang tính chất thù địch, đe dọa…
Danh mục “Hành vi sai phạm” ghi rõ những hành vi bị cấm bao gồm “tán đồng việc sỉ nhục”, “phản hồi khiêu dâm gây rối” và “nhận xét hưởng ứng bạo lực”. Những hình ảnh như “nội tạng”, “người bị thiêu” hoặc “nạn nhân bị ăn thịt”… chỉ được phép hiển thị nếu người dùng trưởng thành (18 tuổi trở lên) cho phép.
Giám đốc Chính sách quản lý toàn cầu của Facebook, Monika Bicket phát biểu trong buổi họp báo: “Facebook muốn người dùng biết về những tiêu chuẩn này. Chúng tôi muốn cung cấp cho họ sự rõ ràng”. Bà Bricket cũng cho biết đội ngũ kiểm duyệt cũng sử dụng chung bộ quy tắc này. Các tiêu chuẩn sẽ liên tục được cập nhật theo yêu cầu và phản hồi của người dùng.
Chính sách không thay đổi nhưng người dùng được trao nhiều quyền hạn hơn
Các tranh cãi về chính sách kiểm duyệt nội dung luôn là vấn đề nhức nhối của Facebook. Công ty không thể ngăn sự lây lan của những bài đăng với ngôn từ thù địch nhưng lại chặn những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.
Năm 2016, Facebook bị phản đối dữ đội khi chặn bức ảnh đạt giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới, “Em bé Napalm” (The Terror of War) của tác giả Huỳnh Công Út ghi lại hình ảnh cô bé 9 tuổi Kim Phúc trần truồng vừa khóc vừa chạy khỏi một ngôi làng ở Việt Nam đang bị dội bom Napalm. Thậm chí Thủ tướng Na Uy, Erna Solberg phản ứng lại quyết định của Facebook bằng cách đăng bức ảnh này lên trang cá nhân và ngay lập tức nó cũng bị xóa.
Việc đưa ra bộ quy tắc mới không cho thấy nhiều sự thay đổi trong chính sách kiểm duyệt của công ty nhưng sẽ mở rộng quyền khiếu nại cho người dùng. Nếu bài đăng bị xóa, người dùng có thể yêu cầu một bản đánh giá từ phía Facebook. Cuối năm nay, nếu người dùng đã phản hồi về nội dung cho là độc hại mà không bị gỡ xuống cũng sẽ được quyền khiếu nại.
Mary deBree, Giám đốc Chính sách nội dung của Facebook cho biết công ty đã quyết định đưa ra các hướng dẫn đầy đủ của nó trước công khai trước vụ bê bối Cambridge Analytica. Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu soạn từ tháng 9 năm 2017.