Nếu cổ đông Eximbank được bỏ phiếu tín nhiệm... |
Được biết, Giấy ủy quyền giữa ông Lê Minh Quốc (bên ủy quyền) với ông Ngô Thanh Tùng (bên được ủy quyền) được lập vào ngày 7/5 và có hiệu lực kể từ ngày 8/5.
"Bên được ủy quyền thay mặt và nhân danh Bên ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị ("HĐQT"), bao gồm nhưng không giới hạn các công việc sau đây:
1.1 Triệu tập và chủ tọa cuộc họp HĐQT;
1.2 Quyết định lấy ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản;
1.3 Chuẩn bị nội dung, tài liệu, chương trình phục vụ cuộc họp HĐQT hoặc để lấy ý kiến của các thành viên HĐQT bằng văn bản;
1.4 Thảo luận và biểu quyết đối với các vấn đề được đưa ra theo nội dung và chương trình của các cuộc họp HĐQT, trả lời Phiếu lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản bao gồm đưa ra ý kiến, quyết định và thực hiện quyền biểu quyết của Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT;
1.5 Ký Biên bản họp HĐQT; ký tên trên Phiếu lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản; lập và ký tên trên các văn bản, giấy tờ có liên quan tại các cuộc họp HĐQT;
1.6 Thay mặt HĐQT ký các nghi quyết, quyết định của HĐQT.", Giấy ủy quyền viết.
Ông Ngô Thanh Tùng (sinh năm 1969) chính thức tham gia vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 kể từ ngày 15/12/2015.
Ông Tùng có bằng Cử nhân Luật và là Thạc sỹ Luật tại Mỹ, từng đảm nhiệm các chức vụ như: Cố vấn pháp luật - Giám đốc điều hành Văn phòng luật sư Hồng Đức, Thành viên Đoàn luật sư Tp. HCM - Liên đoàn luật sư Tp. HCM, cùng nhiều vị trí cấp cao tại một số doanh nghiệp và tổ chức khác.
Đáng chú ý, ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng đều đã từng là những nhân sự chủ chốt của CTCP Âu Lạc (Âu Lạc) của bà Ngô Thu Thúy, với vai trò là Thành viên HĐQT.
Ông Quốc đã thôi nhiệm chức vụ này tại Âu Lạc kể từ ngày 16/6/2016. Tương tự, ông Tùng cũng đã rút khỏi công ty này.
Có một vấn đề có lẽ nên đặt ra ở đây, rằng tại sao Chủ tịch Eximbank Lê Minh Quốc - người giữ tư cách của một Thành viên HĐQT độc lập - lại không ủy quyền cho các cấp phó, là Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai hay Phó Chủ tịch Yasuhito Saitoh, mà lại ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT cho thành viên Ngô Thanh Tùng (?!).
Hẳn ông Quốc khó có thể "thích" ông Mai hay ông Saitoh. Nên nhớ, hai vị Phó Chủ tịch này đều đã bày tỏ sự bất tín nhiệm với ông Quốc và từng bỏ phiếu miễn nhiệm ông Quốc khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Đã đến lúc phải đoàn kết, thống nhất!
Trao đổi với VietTimes sáng nay, ông Ngô Thanh Tùng thừa nhận thời gian qua ở Eximbank có những lộn xộn và kết quả hoạt động của ngân hàng chưa tương xứng với tiềm năng. "Nhưng tôi tin rằng tình hình sẽ tốt dần lên, ngân hàng sẽ ổn định và phát triển trở lại" - người đang giữ quyền Chủ tịch Eximbank chia sẻ một cách cởi mở và tích cực.
Thông tin liên quan đến ông Ngô Thanh Tùng trong Báo cáo thường niên 2018 của Ngân hàng Eximbank (Nguồn: EIB)
|
Ông Tùng cho rằng đây là thời điểm mà các nhóm cổ đông và nội bộ ban lãnh đạo ngân hàng nên bắt tay, đoàn kết, thống nhất, chung sức chung lòng vì sự phát triển chung của Eximbank - và cũng chính là vì quyền lợi bền vững của mỗi bên.
Như đã biết, thời gian qua, sự bất đồng, thậm chí là mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm cổ đông đã thổi bùng lên cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Eximbank, kéo nhà băng từng giữ vị trí số 1 trong nhóm ngân hàng TMCP Việt Nam chìm sâu vào khủng hoảng và đánh mất vị thế.
Cao trào của cuộc chiến quyền lực này là việc tranh chấp chiếc ghế Chủ tịch HĐQT giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú (mà sâu xa là cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông hậu thuẫn hai thành viên HĐQT này).
Hạ tuần tháng 3/2019, 7/10 thành viên HĐQT Eximbank đã bỏ phiếu miễn nhiệm ông Quốc khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT và bầu bà Tú thay thế. Nhưng Nghị quyết này đã bị tạm thời vô hiệu khi Tòa án nhân dân Tp. HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đơn khởi kiện của ông Quốc và cổ đông Trần Công Cận.
Ông Lê Minh Quốc níu giữ tạm thời được chiếc ghế đứng đầu Eximbank nhưng bà Tú và phần đông các thành viên HĐQT ngân hàng này cũng không muốn để ông Quốc thỏa nguyện lâu.
"Đây là thời điểm mà các nhóm cổ đông và nội bộ ban lãnh đạo ngân hàng nên đoàn kết, thống nhất, chung sức chung lòng vì sự phát triển chung của Eximbank"
|
Trong một nỗ lực mới, ngày 23/4/2019, nhóm 5 thành viên HĐQT Eximbank - gồm ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki - đã có thông báo mời họp HĐQT với nội dung chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112; “nêu lại” việc bãi miễn chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu nhân sự mới thay thế.
Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 6/5/2019, tuy nhiên không thể tiến hành vì không đủ túc số. Trao đổi với VietTimes, ông Ngô Thanh Tùng cho biết ông bận nên không tham dự cuộc họp vào sáng 6/5.
Chưa rõ ngoài ông Tùng còn ít nhất 2 thành viên nào không đến dự họp vào sáng Thứ Hai vừa rồi. Nhưng lưu ý, lần trước trong Nghị quyết bãi miễn ông Quốc (nhưng đã bị tạm thời vô hiệu), ông Tùng, ông Lê Minh Quốc và ông Nguyễn Quang Thông là những người đã không đến dự.
Một nguồn tin cho hay, nhóm 5 thành viên HĐQT Eximbank đã gửi Thư triệu tập cuộc họp HĐQT lần 2 dự kiến tổ chức vào ngày 15/5. Khi này, với túc số yêu cầu chỉ cần trên 50% thành viên dự họp, việc có mặt hay không của những người như ông Tùng, ông Quốc, ông Thông có lẽ không còn quá quan trọng.
Chỉ cần 5 thành viên HĐQT ký thư triệu tập, cộng với một người nữa (rất có thể là bà Lương Thị Cẩm Tú) bỏ phiếu thuận, mọi nội dung sẽ có thể thông qua - kể cả việc miễn nhiệm ông Quốc hay bầu bà Tú thay thế.
Nên nhớ, phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào sáng 26/4 vừa rồi của Eximbank cũng đã không thể tiến hành, vì không đủ túc số. Phiên Đại hội lần 2 sẽ được tổ chức trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, trao đổi với VietTimes, ông Ngô Thanh Tùng cho hay ngân hàng vẫn chưa thống nhất được thời điểm cụ thể cho đại hội lần 2 này.
Nhấn mạnh rằng, nếu cuộc họp HĐQT dự kiến vào ngày 15/5 tới thông qua việc miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc khỏi vị trí Chủ tịch và bầu thành công người thay thế, thì chương trình nghị sự của phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần 2 của Eximbank rất có thể cũng bổ sung cả nội dung đề xuất của cổ đông chiến lược SMBC. (đọc thêm: Nếu cổ đông Eximbank được bỏ phiếu tín nhiệm...)
Khi ấy, chiếc ghế của ông Quốc và một số người khác trong HĐQT Eximbank có thể sẽ gặp thử thách thực sự!