Theo kế hoạch tổ chức mà HĐQT đương nhiệm ngân hàng này (thực chất chỉ có 6/9 thành viên HĐQT) vừa phê duyệt, Eximbank sẽ tổ chức 02 phiên đại hội trong liên tiếp 02 ngày, gồm phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (AGM 2021) lần 2 vào sáng ngày 29/7; và phiên ĐHĐCĐ bất thường (EGM) vào sáng ngày 30/7.
Địa điểm tổ chức cùng tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội - cũng chính là nơi EIB tổ chức 2 phiên ĐHĐCĐ gần nhất.
Đối tượng tham dự AGM 2021 lần 2 gồm tất cả cổ đông có tên trong danh sách chốt ngày 22/3/2021. Lần này, túc số cần thiết để phiên đại hội có thể tiến hành là các cổ đông tham dự phải đại diện cho tối thiểu 51% cổ phần trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Eximbank.
Còn danh sách cổ đông tham dự phiên EGM được chốt vào ngày 14/5/2021. Đại hội bất thường này được theo văn bản kiến nghị, yêu cầu triệu tập của nhóm cổ đông ngày 12/3/2021. Do đó có thể hiểu rằng, đây là một phiên EGM mới hoàn toàn (tạm gọi là EGM 2021), chứ không phải phải là phiên "trả nợ" cho EGM 2019 mà nhiều cổ đông Eximbank, trong đó có cổ đông chiến lược SMBC, vẫn trông chờ mà chưa được thỏa mãn.
Lưu ý rằng, việc HĐQT Eximbank triệu tập EGM 2021, chứ không phải EGM 2019 lần 2 sẽ mang đến cục diện rất khác nhau. Cụ thể là liên quan đến điều kiện tiến hành đại hội. Theo Điều lệ Eximbank, EGM lần đầu yêu cầu túc số tối thiểu là 65% cổ phần trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; Trong khi EGM lần 2 lại chỉ yêu cầu túc số tối thiểu đạt 51% cổ phần trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Mà như VietTimes nhiều lần phân tích, "cuộc chiến vương quyền" ở Eximbank cơ bản là cuộc đấu giữa 2 phe cổ đông đối lập: G3 và G6. Thống kê từ các phiên đại hội đã qua cho thấy, phe G3 đã sở hữu và tranh thủ được được sự ủng hộ của số cổ đông đạt trên 51% cổ phần trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank.
Có nghĩa, nếu triệu tập EGM 2019 lần 2 (vốn vẫn bị nợ, và thậm chí đã có một số thành viên HĐQT EIB bị NHNN xử phạt vi phạm hành chính vì sự chậm trễ trong việc tổ chức EGM 2019 này) - thay vì EGM 2021 như cách HĐQT Eximbank đang làm - thì phe G3 sẽ nắm thế chủ động để định đoạt đại hội. Phiên EGM này, như đã biết, có mục tiêu trọng tâm là thanh lọc HĐQT. Qua đó, thiết lập trật tự mới ở cơ quan quyền lực thường trực cao nhất của Eximbank.
Còn khi Eximbank quyết định tổ chức EGM 2021 như tới đây, thì phe G3 này - dù đã có trên 51% cổ phần EIB - lại chưa thể tự quyết. Bởi nếu phe đối nghịch không "check-in" hoặc "check-in" không đủ hoặc phủ quyết thì phiên EGM 2021 này sẽ bất thành. Các bên sẽ lại phải chờ lần tổ chức tiếp theo. Rồi như đã thấy những năm qua, ĐHĐCĐ Eximbank có thể sẽ lại lần lữa...
Phe G3 hẳn cũng khó thể bằng lòng với kế hoạch tổ chức AGM 2021 lần 2 trước EGM 2021 mà HĐQT Eximbank mới đưa ra. Bởi AGM 2021 lần 2 sẽ kiện toàn HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) cho Eximbank, trong khi phe G3 lại muốn thanh lọc HĐQT trước đã. Nói cách khác, họ vẫn chờ EGM 2019 lần 2.
Thực trạng bất tương xứng giữa quyền sở hữu và quyền chi phối hội đồng quản trị ở Eximbank, như nhiều lần phân tích, chính là nguồn cơn cho các mâu thuẫn ở ngân hàng. Cũng chính vì phe cổ đông chi phối quá bán cổ phần lại không thể "nói" được HĐQT, không thể xây dựng được chương trình nghị sự theo mong muốn, mà các phiên ĐHĐCĐ Eximbank cứ liên tiếp vỡ.
Nhắc lại rằng, HĐQT và Ban Kiểm soát Eximbank đang chỉ được duy trì bởi yếu tố "bù giờ"./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu