Nguồn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm từ Quỹ đầu tư phát triển; vốn đầu tư do quyết toán các dự án xây dựng cơ bản hoàn thành; vốn nhà nước do nhận bàn giao tài sản từ bên ngoài (tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn) và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn EVN thực hiện cụ thể.
Hội đồng thành viên EVN có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng vốn điều lệ của EVN, đảm bảo hiệu quả và bảo toàn vốn; đồng thời có giải pháp tạo nguồn bổ sung vốn điều lệ theo quy định.
Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN được Chính phủ ban hành, EVN là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ này.
Vốn điều lệ của EVN tại thời điểm 31/12/2012 là 143.404 tỷ đồng.
Mục tiêu hoạt động của EVN là kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu Nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu Nhà nước giao.
Bên cạnh đó, giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao.
Ngành, nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hoá thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện.
Theo Dân trí