TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính là người duy nhất trong số 4 vị khách mời của toạ đàm "Điều hành giá thị trường nhìn từ điện và xăng" tổ chức hôm 16/3) chỉ ra những điều không thoả đáng ở EVN.
Chuyên gia: Giá điện vì thiếu minh bạch
"So với 4 lần gần đây, mức tăng 7,5% giá điện lần này là tăng cao. Người tiêu dùng bức xúc là có nguyên nhân từ việc tất cả các hoạt động của EVN hiện nay chưa có hiệu quả, chưa minh bạch", chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long đánh giá.
Không thiếu dẫn chứng cho lời nhận xét này! Theo TS Long, mọi chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất của EVN đều đổ lên người tiêu dùng, những nguyên nhân như quản trị kém, kinh doanh ngành ngoài lỗ, tổn hao điện năng lớn, năng suất lao động thấp... đều tính cả vào giá điện.
Ông nói, để người dân đồng thuận khi giá điện tăng thì mấu chốt là cần có sự minh bạch, rõ ràng hơn trong các tính toán chi phí của EVN.
Đặc biệt, mọi sự so sánh giá cả ngành điện cần phải có cơ sở thuyết phục.
"Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định FTA đã và sẽ ký kết, đặc biệt tới đây là ở một mái nhà chung ASEAN, do vậy, giá trong nước phải hoà đồng với giá thế giới nên sự so sánh về giá là cần thiết. Ví dụ như xăng, Việt Nam phải nhập tới 70% nên so sánh giá là hợp lý", TS Long nêu vấn đề.
Nhưng theo ông, với giá điện còn độc quyền. Nhà nước định giá nhưng cũng trên cơ sở tiên quyết theo thị trường, bù đắp chi phí, lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp. Việc so sánh giá độc quyền như vậy phải khác.
Vị chuyên gia kinh tế này cho hay, như các tuyên bố so sánh giá vừa qua của EVN, đều chỉ dựa vào giá bán đầu ra mà không so sánh giá đầu vào. So sánh như vậy chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của EVN thôi, không thuyết phục.
Ông trích dẫn lại, EVN tuyên bố giá điện Việt Nam lên tới 8cent/kWh cũng vẫn không bằng giá trần 9 cent/kWh của ASEAN, giá điện ở Singapore là 21 cent/kWh.
Nhưng lương cán bộ EVN không thể bằng lương khu vực ASEAN, năng suất lao động không bằng, bảo hiểm rủi ro trong quá trình sử dụng điện không có. Ở Singapore, giá điện của họ 21 cent/kWh là vì họ dùng toàn dầu chạy điện. Còn ta, dùng tới 40% là thuỷ điện, giá chỉ bằng một nửa giá điện hoá thạch.
"Ngay cả trong vấn đề cổ phần hoá các công ty điện lực, nếu nói rằng, do nút thắt giá điện thấp nên không thu hút được đầu tư, không cổ phần hoá là đổ oan cho giá điện, là không thoả đáng". TS Long nhấn mạnh.
Ông nói, việc cổ phần hoá ngành điện khó khăn là do quy mô vốn quá lớn, khó mà có nhà đầu tư chiến lược nào ôm đủ số vốn này, hai là do bộ máy còn hoạt động không hiệu quả.
"Không nên so sánh để dành lợi cho mình, mà phải biết chia sẻ và hoạt động hiệu quả hơn. EVN giảm chi phí giá thành, vừa có lợi cho mình, cho dân, tạo điều kiện thu hút đầu tư", TS Long khuyến nghị.
Quan chức: Giá điện công khai minh bạch
Trong khi đó, 3 vị khách mời còn lại đại diện cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đều đồng loạt khẳng định, giá điện tăng là phù hợp tình hình xã hội hiện nay, là minh bạch.
Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: "Giá thành điện đã được Bộ Công Thương kiểm toán và công khai".
Ông Tuấn nói: Theo EVN, các thông số đầu vào thay đổi làm tăng chi phí tới khoảng hơn 12% nhưng các cơ quan có thẩm quyền chỉ chấp nhận mức 7,5%, là phương án tăng giá điện thấp nhất trong các phương án EVN trình. Mức tăng này cũng đã được tính trên cơ sở tác động tới GDP, CPI. Chúng tôi thấy rằng, tăng giá điện như vậy là tương đối phù hợp".
Ông Tuấn cũng lưu ý, vẫn theo báo cáo của EVN, giá điện chưa tiệm cận thị trường, vẫn còn khoản lỗ treo tỷ giá. Khi nào hạch toán hết các khoản lỗ này thì giá điện mới theo thị trường được, mới tiến tới cạnh tranh.
"Bẻ" lại lập luận này của Cục trưởng Tuấn, TS Ngô Trí Long đánh giá: "Tính toán chi phí vào giá thành điện hết sức phức tạp. Muốn chính xác, cần có một cuộc đại phẫu thuật EVN, do một cơ quan tư vấn độc lập, có chuyên môn, có năng lực mới có thể thẩm định được".
"Như hiện nay, EVN báo cáo, Cục Điều tiết điện lực xem xét, cơ quan chức năng là Bộ Công Thương phần lớn là đứng về phía nhà sản xuất, là đơn vị độc quyền, lại có phát ngôn khiến người dân phản ứng", ông Long nhìn nhận.
"Nói giá điện tăng thì mọi người được hưởng lợi là rất phi lý, phi thị trường. Hoặc như nếu không tăng giá điện thì EVN phá sản... là không đúng. Cơ quan chức năng phải có những phát ngôn công tâm", TS Long đề nghị.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính sau khi thừa nhận rằng, tăng giá sẽ làm lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm, sức cạnh tranh giảm, ảnh hưởng thu ngân sách, nhưng cuối cùng vẫn kết luận rằng, tăng giá là theo mục tiêu thị trường hoá, có sự điều tiết của Nhà nước, là đã minh bạch ,là tất yếu, hợp lý.
Với đánh giá của ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương, việc dồn dập giá xăng tăng hôm 11/3 lại gần với ngày tăng giá điện 16/3 chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Dù sao, hai loại giá này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới CPI tháng 3 và 4.
Theo VNN