EU thông qua kế hoạch chip trị giá 43 tỉ Euro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu đã đồng ý về kế hoạch trị giá 43 tỉ Euro nhằm đưa châu Âu trở thành nhân tố chính trong cuộc đua tăng cường sản xuất chất bán dẫn trên toàn thế giới.
Ảnh: Yahoo Finance
Ảnh: Yahoo Finance

Các quốc gia trên toàn thế giới đang đầu tư hàng tỉ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ngành công nghiệp đang phải đối mặt với hạn chế xuất khẩu ngày càng tăng từ các chính phủ. Được biết, Hà Lan đã tuyên bố trong năm nay rằng họ sẽ tham gia cùng chính quyền Mỹ trong việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với thiết bị sản xuất chip quan trọng từ ASML Holding NV có trụ sở tại Veldhoven, Hà Lan.

Giám đốc thị trường nội bộ của EU, Thierry Breton, đã viết trên Twitter: “Trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay, châu Âu đang tự nắm lấy vận mệnh của mình. Bằng cách làm chủ các chất bán dẫn tiên tiến nhất, EU sẽ trở thành một cường quốc công nghiệp trên thị trường trong tương lai”.

Mặc dù, châu Âu sở hữu ASML - một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất trên thế giới - độc quyền về thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất - tuy nhiên, lục địa này hiện chỉ sản xuất khoảng 10% chất bán dẫn trên toàn thế giới, chủ yếu là chip cho ngành ô tô.

EU có mục tiêu sản xuất 20% chất bán dẫn của thế giới vào năm 2030, tập trung vào các loại chip tiên tiến. Đạo luật Chip cho phép các quốc gia EU cung cấp tiền cho chính phủ để mua những công nghệ bán dẫn tân tiến nhất.

Hendrik Bourgeois, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ châu Âu của Intel, cho biết: “Sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ và rộng rãi cho các mục tiêu này cho thấy EU rất nghiêm túc trong việc đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai của mình”.

Tuy nhiên, các chính trị gia và chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng số tiền mà EU đang đầu tư vẫn không đủ để đáp ứng mục tiêu 20%, đặc biệt là khi ngành chip đang có dấu hiệu chững lại do nhu cầu giảm và giá năng lượng đang tăng cao ở châu Âu.

Giới chuyên gia đánh giá, châu Âu sẽ cần tăng gấp bốn lần sản lượng chip hiện tại mới có thể đáp ứng mục tiêu đề ra. Với kinh phí trích từ ngân sách chung của EU, khu vực này được dự đoán sẽ nới lỏng các quy tắc để giúp doanh nghiệp đẩy nhanh nghiên cứu và sản xuất bán dẫn.

"Đạo luật mới sẽ cho phép ngành công nghiệp chip châu Âu có thể cạnh tranh và xây dựng nền tảng trên toàn cầu. Đây cũng là yếu tố chủ đạo nhằm cung cấp sức mạnh cho một ngành công nghệ sạch được sản xuất tại châu Âu và tăng khả năng phục hồi và chủ quyền kỹ thuật số", bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết.

Đạo luật Chip là kế hoạch đầu tiên trong một loạt các kế hoạch công nghiệp mà ông Thierry Breton thúc đẩy để cho phép chính phủ can thiệp ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng. Các công ty nhận quỹ công thông qua Đạo luật Chip cũng sẽ được yêu cầu ưu tiên các mệnh lệnh của EU trong trường hợp khẩn cấp.

Thỏa thuận sẽ trở thành luật sau khi được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU thông qua.

Theo Yahoo Finance