Suốt dọc quốc lộ hơn 100 ki lô mét nối thành phố cảng Hải Phòng với Hà Nội là hàng đoàn xe container dài dằng dặc, tắc nghẽn. Song, nhìn ở góc độ khác, đây lại là điều đáng mừng. “Đường tắc thì khổ nhưng nó phản ánh kinh tế đang tăng trưởng. Lâu lắm rồi tôi mới thấy thế. Quá tắc nghẽn”, ông nói tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội.
Ông kể tiếp: “Tôi đã nói với ông Thăng (Bộ trưởng Giao thông Vận tải), tốc độ chạy của xe là tốc độ của nền kinh tế, các anh đừng có phanh xe lại. Các nước người ta cho chạy vận tốc tối đa, tất nhiên là đường người ta tốt”.
Những gì bộ trưởng Vinh chứng kiến chỉ là một phần bức tranh kinh tế mà gam màu sáng còn ít ỏi đang loang dần ra trong thời gian gần đây, sau một chặng dài thăng trầm. Những tin tức tốt lành ban đầu mà ông Vinh nhận được khi còn ở Úc cách đây hai tuần từ Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, là tăng trưởng thậm chí có thể đạt tới 6,3%.
Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM là nơi phản ánh rõ nhất tình hình trên. Tăng trưởng của TPHCM trong quí 1 năm nay đạt 8%, cao nhất trong ba năm trở lại đây. Dư nợ tín dụng tăng 2,3% so cuối năm, thu ngân sách đạt 68.000 tỉ đồng, bằng 27% dự toán. “Nhiều tín hiệu là tích cực”, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa nói. Trong khi đó, tăng trưởng của Hà Nội đạt 7,6%, cao hơn tất cả các quí 1 của năm năm qua. “Tất cả các ngành đều tăng trưởng, đặc biệt là xây dựng”, ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nói thêm.
Ở góc độ doanh nghiệp, tập đoàn Samsung cũng đang có kế hoạch bứt phá. Theo Bộ trưởng Vinh, Samsung từng thông báo sẽ xuất khẩu đạt 30 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015. Tuy nhiên, ông cho biết, sau khi kiểm tra lại, thì nhà máy ở Bắc Ninh cho biết sẽ xuất khẩu 15 tỉ đô la Mỹ và nhà máy Thái Nguyên sẽ xuất khẩu tới 16-18 tỉ đô la Mỹ.
“Như vậy, xuất khẩu của Samsung gần như chắc chắn là 32 tỉ đô la, thậm chí là 34 tỉ đô la”, ông nói. Đây là con số cao hơn nhiều so với 23 tỉ đô la năm 2013 và 26,3 tỉ đô la năm 2014 của tập đoàn này.
Nhưng, cũng có nhiều bộ trưởng không lạc quan đến vậy. Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Về xuất khẩu, tôi hết sức lo ngại”. Ông cho biết, tăng trưởng xuất khẩu trong quí 1 chỉ đạt 6,9%, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Có hai yếu tố chính. Thứ nhất, là nhóm hàng nông nghiệp, thủy sản giảm rất mạnh cả về giá, khối lượng, giảm tới 797 triệu đô la Mỹ. Yếu tố thứ hai là các mặt hàng dầu thô, than đá xuất khẩu đều giảm mạnh. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ cuối năm 2014, Việt Nam đã hạn chế xuất khẩu than nên khối lượng giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, giá dầu thô quí 1 giảm tới 40% so với mức bình quân năm 2014. Riêng dầu thô giảm 800 triệu đô la Mỹ. “Tức là chỉ hai lĩnh vực nông nghiệp và khoáng sản đã giảm mất 1,6 tỉ đô la Mỹ”, ông Hoàng nói. Theo ông Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ công tác vĩ mô liên ngành, trong quí 1, các số liệu thống kê cho thấy nhiều chỉ số kinh tế đều tốt hơn cùng kỳ năm trước, 43% số doanh nghiệp đơn hàng ổn định; 25% số doanh nghiệp có số đơn hàng cao hơn năm trước.
Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng cũng có yếu tố bất lợi: giá hàng hóa thế giới giảm; xu hướng giảm thuế theo các hiệp đinh thương mại, đồng đô la Mỹ tăng giá, giá dầu có thể tăng cao trở lại, việc tăng giá điện làm tăng giá đầu vào của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế quí 1 cao hơn cùng kỳ các năm trước là nền tảng tốt cho các quí tiếp theo. “Nếu thực hiện hiệu quả các biện pháp theo nghị quyết đầu năm của Chính phủ, dự báo tăng trưởng cả năm đạt 6,3-6,5%, lạm phát ở mức dưới 4%. Một số ngân hàng nước ngoài có dự báo tăng trưởng từ 6,2-6,5%”, ông Sinh nói.
Tổ công tác vĩ mô cũng đề nghị đẩy nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong quí 2 để tăng tổng cầu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước được đề nghị tiếp tục xem xét, giảm lãi suất cho vay từ 1-1,5% để nếu có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cả năm lên 15-17%.
“Một vấn đề đáng chú ý khác là đồng đô la Mỹ tăng giá rất mạnh so với ngoại tệ khác, tác động nhất định đến tâm lý, dù có thể chưa tác động bất lợi nhiều đến xuất khẩu. Nợ công có thể giảm 12.000 tỉ đồng nhờ việc đồng euro và đồng yen giảm giá”, ông Sinh nói.
Theo TBKTSG