Đường sắt từng xin dỡ biệt thự nguy cơ sập, Hà Nội chưa trả lời

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chiều nay công bố với báo giới hồ sơ ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bị sập trưa qua, khiến 2 người chết, 6 người bị thương.
Biệt thự 170 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập khiến 2 người thiệt mạng
Biệt thự 170 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập khiến 2 người thiệt mạng

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, khu nhà 107 Trần Hưng Đạo nằm trong quần thể khu vực ga Hà Nội được thực dân Pháp khởi công xây dựng năm 1900, hoàn thành năm 1905 và giao cho công ty Hỏa xa Vân Nam trực tiếp quản lý, khai thác.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 05/SL về việc huỷ bỏ quyền quản lý, khai thác của công ty này.

Sắc lệnh cũng quy định các đường xe lửa cùng tất cả động sản, bất động sản phụ thuộc đường sắt đều là của công, giao Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ GTVT), trực tiếp là Nha Hoả xa Việt Nam quản lý, khai thác thống nhất cùng một chế độ với đường sắt Hà Nội - Sài Gòn.

Đường sắt từng xin dỡ biệt thự nguy cơ sập, Hà Nội chưa trả lời ảnh 1
(Ảnh: Minh Quang)

Từ tháng 12/1946 đến tháng 7/1954 là thời gian bị tạm chiếm, ngành đường sắt cùng với nhân dân Thủ đô tạm thời vận chuyển máy móc, thiết bị ra vùng tự do để kháng chiến.

Đến khi hoà bình lập lại năm 1954 bộ máy tiếp quản Đường sắt được hình thành cùng với Ủy ban Quân quản TP Hà Nội, tiếp nhận lại toàn bộ cơ sở vật chất liên quan đến ngành Đường sắt - trong đó có khu vực ga Hàng Cỏ.

Ngày 6/4/1955, Tổng cục Đường sắt (thuộc Bộ Giao thông công chính) được chính thức thành lập, tiếp tục tiếp nhận, quản lý và sử dung ổn định khu vực ga Hàng Cỏ (trong đó có khu nhà 107 Trần Hưng Đạo) cho đến hôm nay.

Ông Hoạch cho biết, do thời gian sử dụng đã lâu, tòa nhà 107 - trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1 bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm.

Chưa từng kiểm định chất lượng

Ông Đoàn Duy Hoạch cũng cho hay: Trước khi tòa nhà bị sập, ngành đường đã xác định không thể sử dụng lâu dài nhưng cũng chưa từng kiểm định xem nhà có còn đảm bảo an toàn không.

Tổng công ty đã đã 3 lần sửa chữa, gần nhất là năm 2010, nhưng đều chỉ đợt sửa chữa nhỏ.

"Từ khi tiếp quản nhà đến nay, đơn vị quản lý nhà Hà Nội cũng chưa từng xuống kiểm tra xem nhà có đảm bảo an toàn hay không", ông Hoạch nói.

Tổng công ty Đường sắt muốn di dời các hộ dân đến chỗ khác để xây dựng trụ sở Tổng công ty và bố trí đầu tư xây dựng tái định cư tại 31 Láng cho các hộ.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội chỉ đồng ý cho ngành đường sắt đầu tư xây dựng chỗ 31 Láng Hạ, còn nhà 107 Trần Hưng Đạo do thủ tục pháp lý còn vướng mắc vì bảo tồn nhà cổ nên Hà Nội chưa chấp thuận.

“Đến nay Sở Xây dựng Hà Nội cũng không phản hồi dù Tổng công ty đã có nhiều văn bản gửi đi”.

'Hà Nội sở hữu, Đường sắt sử dụng'

Được biết, từ khi tiếp nhận nhà 107 đến nay, Tổng công ty Đường sắt chỉ trả tiền thuê nhà trong 4 năm, sau đó do nhà xuống cấp, đơn vị quản lý nhà đã dừng thu. Đến năm 2000 căn cứ thông báo thu tiền sử dụng đất của Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm, Tổng công ty tiếp tục nộp tiền thuê đất.

Khi được hỏi về trách nhiệm của Tổng công ty khi nhà sập làm chết người, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt cho rằng, trách nhiệm của đường sắt sử dụng ngôi nhà khi phát hiện thấy xuống cấp thì báo cáo UBND TP Hà Nội.

“Tổng công ty đã báo cáo với thành phố sự xuống cấp của ngôi nhà. Đường sắt chưa có quyền sở hữu vì hiện không có giấy tờ gì về ngôi nhà. Sở hữu tòa biệt thự cổ này thuộc Hà Nội, còn Đường sắt được sử dụng”, ông Hoạch khẳng định.

Hà Nội:  Trách nhiệm thuộc về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

“Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, khắc phục và xử lý sự cố, chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình” - báo cáo sau sự cố sập nhà của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội nêu.

Theo ông Trần Việt Trung, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhà 107 Trần Hưng Đạo có nguồn gốc là nhà vắng chủ, Nhà nước đã quản lý, hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà này.

Khu nhà 107 phố Trần Hưng Đạo do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý gồm 1 nhà 2 tầng, 1 tầng hầm là khối nhà chính, diện tích xây dựng 643m2 từ khi tiếp quản, được giao quản lý sử dụng làm hội trường phục vụ hội họp thường xuyên của ngành và bố trí một số phòng làm việc của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Hiện nay là trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1.

Cũng theo ông Trung, ngoài diện tích nhà chính, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn quản lý 2 dãy nhà 2 tầng khung ray là khối nhà 2 bên, 1 dãy nhà cấp 4 phía sau được Tổng Cục Đường sắt xây dựng tạm từ những năm 1970 (diện tích xây dựng 907m2, diện tích sàn xây dựng là 1.323m2) bằng nguồn vốn ngân sách.

Trong khu vực này có khoảng 60m2 nhà cấp 4 trước đây là phòng khám y tế của Đường sắt Việt Nam.

Theo phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung, do thay đổi tổ chức, Phòng khám y tế chuyển về Bệnh viện Giao thông vận tải (trước đây là Bệnh viện Đường sắt), Bệnh viện Giao thông vận tải đã chấp thuận giao lại nhà đất để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng theo phương án được duyệt.

Do điều kiện khó khăn về nhà ở của cán bộ công nhân viên, cơ quan bố trí cho cán bộ công nhân viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng thuê nhà ở cho 62 hộ dân tại khu nhà 107 phố Trần Hưng Đạo.

Tuy nhiên, theo ông Trung, đối với cơ sở nhà đất số 107 Trần Hưng Đạo do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, từ năm 2013 UBND thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính đã thống nhất bằng văn bản giữ lại tiếp tục sử dụng làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố.

Sau đó đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam di dời, chấm dứt việc cho thuê tại cơ sở nhà đất để quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Theo VNN/TT