Tại tờ trình này, Chính phủ đánh giá, xây dựng cao tốc Bắc Nam là không thể trì hoãn do quốc lộ 1 dù đã mở rộng nhưng sẽ quá tải trong tương lai gần và thực tế đã quá tải tại một số đoạn tuyến. Đồng thời việc đầu tư cao tốc sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giải quyết những hạn chế mà quốc lộ 1 không thể đáp ứng
Đáng chú ý, Chính phủ khẳng định việc đầu tư cao tốc Bắc Nam là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến thành phố Cà Mau đã khai thác được 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km, đã xác định được nguồn vốn và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km. Tuyến cao tốc còn lại cần đầu tư 1.372 km trên đoạn Hà Nội - TP HCM, 150 km đoạn Cần Thơ - Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2.
Do đó, Chính phủ đề xuất việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông này sẽ chia thành 11 dự án thành phần, với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, và 3 dự án đầu tư theo hình thức công. Các dự án sẽ chuẩn bị đầu tư năm 2017 - 2018, dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành năm 2021.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án cao tốc này vào khoảng hơn 118.700 tỷ đồng (vốn Nhà nước thu xếp khoảng 55.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư là khoảng 63.700 tỷ đồng).
Trong 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn nhà nước thu xếp, có khoảng 14.100 tỷ đồng sử dụnggiải phóng mặt bằng, hơn 27.000 tỷ đồng xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP, hơn 13.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công các đoạn cao tốc Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất đầu tư trước giai đoạn 1 (2017 – 2020) gồm 654 km cao tốc thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước.
Giai đoạn 2 triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất đầu tư các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau 2025 sẽ đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.
Để triển khai thuận lợi đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội chấp thuận một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ đề nghị với trường hợp một số đoạn cao tốc không đấu thầu nhà đầu tư thành công, thì cho phép vẫn giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 và giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng phần vốn còn lại để đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách.
Đồng thời, tất cả các nhà đầu tư tham gia dự án PPP đều lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh.