Đường hóa học và chất tạo ngọt Trung Quốc có thể gây ung thư

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất tạo ngọt không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm tạp chất, kim loại nặng hay có hóa chất cấm sử dụng, rất nguy hại cho sức khỏe.
Cơ quan chức năng phát hiện đường hóa học, chất tạo ngọt chưa rõ nguồn gốc - Ảnh: Ngọc Lê
Cơ quan chức năng phát hiện đường hóa học, chất tạo ngọt chưa rõ nguồn gốc - Ảnh: Ngọc Lê

Liên quan đến vụ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP.HCM phối hợp QLTT phát hiện 5 tấn đường hóa học chất tạo ngọt chưa rõ nguồn gốc, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các phụ gia thực phẩm trong đó có chất tạo ngọt không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm tạp chất, kim loại nặng hay có hóa chất cấm sử dụng, rất nguy hại cho sức khỏe.

Các chất ô nhiễm có thể gây hại cho dạ dày, gan do đây là nơi tiếp nhận, xử lý thực phẩm đưa vào. Đặc biệt, gan là “nhà máy hóa chất” của cơ thể nên nếu một chất bị đưa vào với liều quá mức có thể gây độc cho gan, tổn thương gan. Ngoài ra, nếu phụ gia không được kiểm soát chất lượng có thể nhiễm hóa chất, kim loại nặng, đưa vào cơ thể là tác nhân gây hại cho hệ thần kinh hoặc tăng nguy cơ ung thư.

“Các phụ gia thực phẩm trong đó có chất tạo ngọt trong danh mục cho phép, được lưu hành hợp pháp cũng cần được sử dụng đúng liều lượng, hàm lượng theo khuyến cáo. Các phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc tuyệt đối không sử dụng bởi hoàn toàn không kiểm soát được nguy cơ”, ông Phong khuyến cáo.

Chiều 12.12, thông tin thêm vụ phát hiện 5 tấn đường hóa học và chất tạo ngọt của Công ty TNHH TM Việt - Nhật (gọi tắt là Công ty Việt - Nhật, trên đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú) chưa được cơ quan chức năng cấp phép, PC49 cho biết đã niêm phong số đường này, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để có hướng xử lý. Tại hiện trường, công an thu giữ hơn 100 kg bao bì loại ni lông, gắn 3 nhãn mác “lạ” (có in hình cây mía, cô gái…), in toàn chữ Trung Quốc nhưng không để xuất xứ cùng nhiều máy móc phục vụ cho việc sang chiết, đóng gói thủ công.

Bước đầu, PC49 xác định Công ty Việt - Nhật nhập chất tạo ngọt về, sang chiết qua bao bì ni lông, đóng gói với trọng lượng 500 gr, 1 kg, tung ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tại kho xưởng của Công ty Việt - Nhật, cơ quan chức năng còn phát hiện số lượng lớn can nhựa chứa hóa chất công nghiệp, màu đen.

 16 doanh nghiệp nhập chất tạo nạc bị điều tra

Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết sau khi phát hiện Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông nhập quá 200 kg salbutamol so với đơn hàng được cơ quan quản lý phê duyệt và bán nguyên liệu này cho các công ty không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, Cục đã rà soát toàn bộ các doanh nghiệp nhập khẩu salbutamol.

Tổng cộng có danh sách 16 đơn vị nhập khẩu salbutamol và Cục đã chuyển toàn bộ tài liệu liên quan đến các công ty này tới cơ quan công an phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra, qua hậu kiểm, Cục phát hiện các sai phạm, tồn tại liên quan đến chất lượng thuốc, mỹ phẩm, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sử dụng thuốc và ở các lĩnh vực khác, đã xử phạt hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ.

Ông Đông cho biết thêm, salbutamol là nguyên liệu cần thiết trong sản xuất thuốc điều trị. Để phối hợp với Bộ Công an trong việc ngăn chặn nguy cơ nguyên liệu sản xuất thuốc này bị sử dụng sai mục đích, Cục đã có Công văn số 21590/QLD-KD ngày 20.11 yêu cầu tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu này. Cục sẽ tiếp tục xem xét cấp phép nhập khẩu nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hợp lệ khi có bằng chứng đảm bảo nguyên liệu nhập khẩu chỉ được sử dụng để sản xuất thuốc cho người.

Theo Thanh niên