Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và các nhà đầu tư nước ngoài sáng nay, các nhà đầu tư tỏ ra quan tâm rất nhiều đến đường dây nóng của Bí thư Đinh La Thăng và các sở Ban ngành TP HCM.
Hầu hết các hiệp hội thương mại nước ngoài ở TP HCM cho rằng, đường dây nóng sẽ nâng cao giá trị của quá trình hợp tác. Tính minh bạch của môi trường đầu tư sẽ được cải thiện khi trao đổi trực tiếp qua đường dây nóng. Từ đó những nút thắt trong quá trình hoạt động kinh doanh sẽ dễ dàng được giải quyết hơn mà không phải thông qua quá nhiều thủ tục hành chính. Đây là công cụ tối ưu để lãnh đạo hiểu nhà đầu tư hơn và ngược lại nhà đầu tư cũng nắm bắt rõ ràng hơn về định hướng và các quy định.
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng chia sẻ, khúc mắc lớn nhất hiện nay của họ là quy định về việc nhập khẩu thiết bị sản xuất đã qua sử dụng. Có thông tư đang khuyến khích nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc, như vậy là vi phạm vào cam kết khi gia nhập WTO.
Về việc cấm nhập khẩu thiết bị cũ 10-20 năm, nhà đầu tư kiến nghị Bộ Công Thương nên có giải pháp cụ thể chứ không cấm nhập. Vì nhiều thiết bị vẫn rất cần thiết để doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Ngoài ra các nhà đầu tư nước ngoài cũng lo ngại về môi trường kinh doanh của Việt Nam thiếu minh bạch đang hạn chế khả năng tăng vốn đầu tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của họ.
Theo số liệu công bố của Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM, lũy kế từ năm 1988 đến cuối năm 2015, thành phố có 5.854 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,02 tỷ USD.
Trong năm 2015, thành phố đã thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,28% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 19,8% của cả nước (22,76 tỷ USD).
Singapore hiện có vốn đầu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 22,36% (8,7 tỷ USD), Malaysia đứng thứ 2 với 14,98% (5,8 tỷ USD) và Brittish Virgin Islands đứng thứ 3, chiếm tỷ trọng 11,03% (4,2 tỷ USD).
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm tỷ trọng 35,01% (14,01 tỷ USD). Ccông nghệ chế biến, chế tạo xếp thứ 2, chiếm tỷ trọng 32,13% (12,51 tỷ USD); giáo dục đào tạo chiếm 9,32% (3,72 tỷ USD)
Theo Zing