Tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông leo thang căng thẳng Mỹ-Trung

Việc Trung Quốc triển khai các dàn tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, dù đã được triển khai  “từ nhiều năm nay", theo khẳng định của Bắc Kinh, hay mới được triển khai, đang làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Tên lửa HQ-9 của Trung Quốc
Tên lửa HQ-9 của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tôn trọng lời hứa không quân sự hóa vùng Biển Đông. Đây là cam kết ông Tập đã đưa ra khi đến thăm Nhà Trắng vào tháng 9/2015. Ông Kerry ghi nhận là mỗi ngày đều có bằng chứng về việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa Biển Đông bằng cách này hay cách khác và theo ông đây là điều rất đáng quan ngại.

Ngoại trưởng Kerry cho biết là chính quyền Obama sẽ có một cuộc nói chuyện rất “nghiêm khắc” với phía Trung Quốc về việc nước này gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Hồ sơ Biển Đông đã khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng, nhất là sau khi hải quân Mỹ mở hai chuyến tuần tra đến sát các đảo tranh chấp, trong đó có một đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa. Nay việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm càng khiến tình hình thêm phức tạp.

Tuy nhiên, khi chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông vào tháng 9/2015, không ai rõ là ông Tập muốn nói đến cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay chỉ nói đến Trường Sa. Qua những tuyên bố của ngoại trưởng Vương Nghị hay của bộ Quốc Phòng Trung Quốc thì có vẻ như lời cam kết của lãnh đạo họ Tập chỉ liên quan đến Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo, chứ không tính đến Hoàng Sa, quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm giữ toàn bộ từ năm 1974.

Tờ Financial Times của Anh ấn bản ngày 18/2 dẫn lời ông Michael Green, cựu giám đốc châu Á của Hội Đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nêu lên giả thuyết khi ông Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo tranh chấp, ông đã quên báo cho các ủy viên khác của quân ủy trung ương Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu thật sự Trung Quốc đã triển khai vũ khí ở Hoàng Sa từ “nhiều năm qua”, thì vì sao Mỹ đã không hề hay biết hoặc nếu biết vì sao đã không lên tiếng? Ngay cả nếu Bắc Kinh chỉ mới đặt các dàn tên lửa trên đảo Phú Lâm gần đây, thì lẽ nào tình báo Mỹ lại không biết, để đến khi truyền hình Mỹ tiết lộ các ảnh vệ tinh, ngoại trưởng Kerry mới có phản ứng?

Thông tin về các dàn tên lửa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm được đưa ra đúng vào ngày tổng thống Obama đang tiếp các lãnh đạo Đông Nam Á họp thượng đỉnh Mỹ -ASEAN ở Sunnylands, California. Biển Đông là đã chủ đề thảo luận chính tại thượng đỉnh, dù bản tuyên bố chung đưa ra sau đó không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình.

Vụ triển khai tên lửa ở Phú Lâm đã đặt Mỹ vào thế khó xử: Không lên án mạnh mẽ Trung Quốc thì không được, mà chỉ trích quá nặng thì sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng. Vì dẫu sau Washington không thể để hai nước đi đến khủng hoảng trầm trọng.

Một số quan chức quân sự của Mỹ lo ngại rằng việc xây các đảo nhân tạo và gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông có thể nhằm chuẩn bị cho Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, như là một mưu toan nhằm kiểm soát không phận vùng biển này.