Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Tư vấn - Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình CIC) được thành lập vào cuối tháng 7/2001, đăng ký trụ sở chính tại số 455 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Trung (SN 1971).
Những dự án dở dang
Năm 2009, Ba Đình CIC khởi công xây dựng dự án Khu khách sạn, căn hộ, văn phòng cho thuê, tòa nhà hỗn hợp Hattoco (tên gọi mới là Golden Millennium Tower) tọa lạc trên khu đất rộng 4.992,2 m2 tại số 110 đường Trần Phú, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội, tổng mức đầu tư khoảng 900 tỉ đồng.
Đến tháng 11/2011, để thu xếp vốn vốn, ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Ba Đình CIC đã thế chấp hơn 32,6 triệu cổ phần, tương đương 99,56% vốn điều lệ của Ba Đình CIC tại Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank).
Khoảng 5 năm sau, tháng 11/2016, Ba Đình CIC tiếp tục thế chấp toàn bộ quyền phải thu, bảo hiểm, các khoản phí phát sinh từ các hợp đồng mua bán và/hoặc hợp đồng góp vốn đối với 335 căn hộ thuộc dự án Hattoco tại GPBank Chi nhánh Thăng Long.
Theo truyền thông trong nước, dự án Hattoco được thiết kế với 39 tầng nổi và 3 tầng hầm, từ tầng 1 đến tầng 6 là khu trung tâm thương mại, văn phòng, từ tầng 7-39 là khu căn hộ với tổng số 439 căn. Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ mới xây dựng xong cơ bản phần thô và chưa biết cho đến khi nào sẽ hoàn thành.
Liên quan đến việc dự án chậm tiến độ, Ba Đình CIC cho biết do sau khi Nhà nước có quyết định mở rộng địa giới Hà Nội, dự án phải tạm dừng để phục vụ cho công tác rà soát, kiểm tra trong một thời gian dài. Đồng thời, công ty cũng gặp khó khăn trong việc bán căn hộ tại dự án và khó khăn về nguồn vốn.
Trụ sở chính của Ba Đình CIC là một cửa hàng đồ gỗ (Ảnh: Internet) |
Về các khoản vay bị quá hạn, từ tháng 1/2020, GPBank cho biết đã tiến hành thủ tục nộp đơn kiện Ba Ðình CIC ra tòa án với tổng số nợ tạm tính đến ngày 2/4/2019 là 290 tỉ đồng. Trường hợp công ty không thanh toán thì ngân hàng yêu cầu được phát mại toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tiến Trung, bao gồm cổ phần tại Ba Đình CIC và dự án Hattoco.
Ngoài GPBank, dự án Hattoco của Ba Đình CIC cũng liên tục bị nhiều khách hàng khiến kiện, đòi nhà do đã thực hiện các hợp đồng đặt cọc lên tới quá nửa giá trị căn hộ.
Một dự án khác của Ba Đình CIC cũng triển khai cả chục năm mà chưa thể hoàn thành là dự án Thành An Tower (tên gọi mới là Manhattan Tower), tọa lạc trên khu đất rộng 4.182 m2 tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội, của Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng).
Sau khi được giao đất, Tổng công ty Thành An không tự triển khai dự án mà chuyển giao cho Ba Đình CIC theo hợp đồng hợp tác kinh doanh số 19/2009/HĐHTKD ngày 11/08/2009. Dù vậy, phải đến tháng 3/2017, dự án này mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng.
Tương tự tại dự án Hattoco, trước thời điểm Thành An Tower được cấp giấy phép, Ba Đình CIC cũng liên tục huy động vốn của nhiều khách hàng với hình thức ký hợp đồng đặt cọc mua căn hộ.
Cuối năm 2017, Ba Đình CIC còn thế chấp toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai và quyền phát triển dự án Thành An Tower tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Chi nhánh Trung Hòa Nhân Chính.
"Đuối" như Ba Đình CIC
Tháng 10/2018, Ba Đình CIC tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 328 tỉ đồng lên mức 689 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu thời điểm này không được tiết lộ. Trước đó, hơn 99,56% vốn điều lệ của Ba Đình CIC thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2018, Ba Đình CIC liên tục báo lỗ với lỗ sau thuế lũy kế 3 năm lên tới cả chục tỉ đồng. Cụ thể, công ty này đã lần lượt báo lỗ 3,4 tỉ đồng vào năm 2016, 2,2 tỉ đồng vào năm 2017 và 5,6 tỉ đồng vào năm 2018.
Năm 2019, Ba Đình CIC hầu như không phát sinh doanh thu và lợi nhuận. Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Ba Đình CIC đạt 2.582 tỉ đồng, cao gấp 8,5 lần vốn chủ sở hữu (301 tỉ đồng), cho thấy mức độ lạm dụng đòn bẩy tài chính lớn.
Về phần mình, ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Ba Đình CIC còn đứng tên tại một số doanh nghiệp khác như CTCP Việt Kim Yên Bái, CTCP Việt Kim - Lai Châu, Công ty TNHH Dệt công nghiệp Hà Nội - Hưng Yên.
Ông Trung cũng từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hà Thành (Indecotech) - chủ đầu tư dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang lại làng xóm cũ có quy mô gần 21,5 ha, đối diện trụ sở UBND quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội.
Dù được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2007 nhưng tới nay dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa hề được khởi công xây dựng./.