Du thuyền hoạt động trên Hồ Tây mòn mỏi chờ di dời

VietTimes – Kể từ khi Sở GTVT Hà Nội đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp trên bến thủy nội địa Hồ Tây để di chuyển các doanh nghiệp đến địa điểm mới. Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua, UBND TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra quyết sách cuối cùng để giải thoát cho các doanh nghiệp, khiến họ rơi vào tình trạng “thoi thóp” chờ đợi.
Nhiều du thuyền hoạt động ở Hồ Tây đang rơi vào tình trạng phá sản.
Nhiều du thuyền hoạt động ở Hồ Tây đang rơi vào tình trạng phá sản.

Ngày 17/6, Sở GTVT Hà Nội có thông báo số 731/TB-SGTVT về việc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa Hồ Tây. Và cho biết, tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép sẽ được di chuyển về Đầm Bảy (phường Nhật Tân).

Đến ngày 4/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp tham gia bến thủy nội địa trên Hồ Tây. Kết quả thanh tra, các doanh nghiệp được đoàn thanh tra liên ngành kết luận là phù hợp để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, đã hơn 3 tháng UBND TP Hà Nội vẫn chưa có quyết định cuối cùng, các doanh nghiệp bị “treo” và đình chỉ hoạt động, cơ sở vật chất cũng như hàng hóa bị hư hỏng nặng dẫn đến các rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất, đứng trước nguy cơ phá sản. Ngoài ra cũng có hàng nghìn lao động bị mất việc, trong đó rất nhiều lao động chưa tìm được việc, còn đa số thì vẫn đang “nín thở” chờ ngày được quay lại làm việc.

Vì vậy, ngày 19/9 vừa qua, đã có 4 doanh nghiệp đã làm đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở GTVT, UBND quận Tây Hồ về việc cho các doanh nghiệp được tạm thời hoạt động.

Các doanh nghiệp đề nghị, trong thời gian chờ đợi thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cầu bến mới (Đầm Bảy) cơ quan chức năng cấp lại đường nước sinh hoạt, đồng thời được gia hạn giấy phép tạm hoạt động bến thủy nội địa với thời hạn ngắn từ 3-6 tháng/lần cấp. Sau khi thành phố hoàn thành bến mới, 4 doanh nghiệp này sẽ di chuyển ngay và tự tháo dỡ toàn bộ bến cũ.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết: “chúng tôi mong muốn UBND thành phố sớm có một quyết định, dù là tạm thời để chúng tôi được phép hoạt động. Đó là cách để giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động và khó khăn của doanh nghiệp hiện nay”.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 6/2016, trả lời báo chí ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, sau khi thanh tra, kiểm tra liên ngày (4/7) những doanh nghiệp đủ điều kiện thành phố sẽ cho phép tiếp tục hoạt động, những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ buộc phải di dời ra khỏi Hồ Tây, nếu không các ngành chức năng sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế di dời.

Thời điểm này Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, do lực lượng chức năng thiếu kiên quyết nên để các du thuyền, nhà nổi không đủ điều kiện vẫn hoạt động. Đáng nói, hoạt động của các nhà thuyền, nhà nổi không đảm bảo môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Viện nói: “Chúng ta không thể vì khó khăn, lợi ích của doanh nghiệp mà chấp nhận cho họ hoạt động. Chúng ta phải vì lợi ích, tính mạng của người dân. Hành động kiên quyết dừng hoạt động của cơ quan chức năng cũng là động thái nhằm ngăn chặn hành vi bất chấp sự an toàn của hành khách vì mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp”. 

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, thành phố đã có chủ trương quy hoạch khu du lịch Hồ Tây, trong đó có các loại hình du lịch trên mặt nước. Trước mắt, thành phố giao cho quận Tây Hồ chủ trì lập quy hoạch xây dựng bến thủy nội địa  tại khu vực đầm 7 (phường Nhật Tân, Tây Hồ).

Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa rõ việc xây dựng bến thủy nội địa đã tiến hành được đến đâu, và doanh nghiệp thì vẫn phải chờ.