Theo đó, UBND TP đồng ý với đề xuất của Sở GTVT về việc kiến nghị liên quan đến vị trí kinh doanh của Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây, cụ thể là tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan ở khu vực Hồ Tây do không đảm bảo các điều kiện về hoạt động bến thủy nội địa, về phương tiện thủy nội địa và để phối hợp với công tác kiểm tra, xử lý môi trường nước Hồ Tây.
UBND TP giao Sở GTVT tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát kỹ hồ sơ của các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động bến thủy nội địa Hồ Tây, căn cứ quy định của pháp luật và các tài liệu pháp lý đề xuất biện pháp xử lý đối với kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Đồng thời, Sở GTVT căn cứ quy định của pháp luật, đề xuất biện pháp quản lý theo đúng chủ trương của UBND TP đối với công tác quản lý bến thủy nội địa Hồ Tây, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý bến thủy nội địa, thiết lập trật tự trong công tác quản lý bến thủy nội địa Hồ Tây, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, quy hoạch và mỹ quan đô thị.
Với quyết định này của Thành phố sẽ tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh du thuyền trên Hồ Tây. Bởi, trước đó, ngày 17/6, Sở GTVT Hà Nội có thông báo số 731/TB-SGTVT về việc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa Hồ Tây.
Đến ngày 4/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp tham gia bến thủy nội địa trên Hồ Tây.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, đã hơn 3 tháng UBND TP Hà Nội vẫn chưa có quyết định cuối cùng, các doanh nghiệp bị “treo” và đình chỉ hoạt động, cơ sở vật chất cũng như hàng hóa bị hư hỏng nặng dẫn đến rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất, đứng trước nguy cơ phá sản. Ngoài ra cũng có nhiều lao động bị mất việc, trong đó rất nhiều lao động chưa tìm được việc, còn đa số thì vẫn đang “nín thở” chờ ngày được quay lại làm việc.