Đóng tàu cá vỏ sắt được vay ưu đãi tới 16 năm

Các chủ tàu đóng mới tàu bằng vỏ sắt hoặc vật liệu mới để đánh bắt hải sản xa bờ, làm dịch vụ tàu cá xa bờ khi vay vốn ưu đãi từ ngân hàng sẽ được kéo dài thời gian trả nợ từ 11 năm lên thành 16 năm.
Chủ tàu muốn đầu tư tàu vỏ sắt để đánh bắt thủy sản xa bờ, làm dịch vụ nghề cá sẽ được vay vốn ưu đãi trong 16 năm. Trong ảnh: một tàu vỏ gỗ tại vùng biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Ảnh: Minh Tâm
Chủ tàu muốn đầu tư tàu vỏ sắt để đánh bắt thủy sản xa bờ, làm dịch vụ nghề cá sẽ được vay vốn ưu đãi trong 16 năm. Trong ảnh: một tàu vỏ gỗ tại vùng biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Ảnh: Minh Tâm

Bên cạnh đó, các trường hợp gia cố, nâng cấp tàu thành vỏ sắt, vật liệu mới, mua ngư lưới cụ… cũng được chấp nhận vay vốn ưu đãi.

Đây là quy định vừa được Chính phủ bổ sung tại Nghị định 89/2015/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Nghị định 89 ban hành ngày 7-10 và sẽ có hiệu lực từ 25-11 tới.

Tùy từng mục đích cụ thể, chủ tàu sẽ được vay vốn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất.

Thứ nhất, nếu đóng mới tàu bằng vỏ thép, vỏ vật liệu mới để làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa) chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu chỉ trả lãi suất 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Thứ hai, nếu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV với mục đích khai thác hải sản xa bờ (bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản sản phẩm) chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Với công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu sẽ được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Với tất cả các trường hợp trên, thời hạn vay vốn được nhà nước hỗ trợ lãi suất sẽ được kéo dài thành 16 năm, thay vì chỉ 11 năm như quy định hiện hành. Mức 11 năm vẫn áp dụng với trường hợp vay vốn để đóng tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu.

Năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, theo Nghị định 89 kể trên, quy định về thời gian vay vốn dài hơn này sẽ được áp dụng lại cho cả những hợp đồng vay vốn ngân hàng thương mại đã ký kết trước ngày 25-11, nghĩa là được “hồi tố”.

Cũng theo Nghị định 89, Chính phủ cho phép nhiều trường hợp được vay vốn ưu đãi không chỉ để đóng mới tàu, mà còn dùng để gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm, bốc xếp hàng hóa. Trong các trường hợp này, chủ tàu cũng được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu bằng vỏ gỗ, mức tín dụng, hỗ trợ lãi suất và thời hạn vay vẫn được giữ nguyên như Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Như vậy, Chính phủ đã có những sửa đổi về chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho các ngư dân đánh bắt và làm dịch vụ nghề cá xa bờ, nhất là các ngư dân có nhu cầu đóng tàu bằng vỏ sắt, vỏ bằng chất liệu mới.

Trong thời gian qua, nhiều ngư dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư tàu bằng vỏ sắt, vỏ bằng chất liệu mới để nâng cao năng lực đánh bắt, sản xuất cũng như tính an toàn nhưng do chi phí đầu tư lớn hơn khá nhiều tàu vỏ gỗ nên còn e ngại. Bên cạnh đó, các thủ tục để làm hồ sơ vay vốn vẫn còn khó khăn…

Theo TBKTSG