Bước vào tháng 9, chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu đẩy nhanh các bước đi thực thi chính sách mậu dịch, trong đó có việc đàm phán về Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada, đàm phán mậu dịch với EU và gây quan tâm nhất là thực hiện việc tăng thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những dự báo về viễn cảnh sắp tới của cuộc chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Hiện nay, hai bên Mỹ - Trung đang thực hiện đánh thuế 25% đối với 50 tỷ hàng hóa nhập của nhau. Tới đây nếu Mỹ thực thi việc tăng thuế mức này với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ lập tức trả đũa bằng mức thuế tương tự đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Theo dự tính, trong số 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bị áp thuế suất mới, có 78 tỷ USD hàng tiêu dùng, phạm vi bao trùm rất rộng, gồm lốp (vỏ) xe hơi, đồ dùng gia đình, đồ gỗ, túi xách, thực phẩm cho thú nuôi, đồ dùng thể thao…Còn trong số 60 tỷ hàng Mỹ bị Trung Quốc áp thuế chỉ có 37 tỷ USD là hàng tiêu dùng.
Sắp tới sẽ vẫn là cuộc đua trừng phạt và trả đũa về thuế nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước
|
Các chuyên gia phân tích về thời gian và phương thức thực thi
Theo hãng Bloomberg, tại cuộc điều trần tham khảo ý kiến công khai về chính sách thuế quan với Trung Quốc được tiến hành từ tuần trước và vừa kết thúc hôm 6/9, ông Donald Trump hy vọng sớm được ban bố quyết định thực thi mức thuế mới, nhanh nhất là vào cuối tuần này.
Hãng CBS hôm 4/9 đưa tin, một số chuyên gia kinh tế, trong đó có Seth Carpenter của Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sỹ (United Bank of Switzerland, UBS) dự báo, sau khi hoàn thành văn bản, chính phủ Donald Trump có thể công bố quyết định thực hiện vào ngày 10/9, thậm chí sớm hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Clayton Allen của Tập đoàn Height Capital, trong một bản báo cáo lại cho rằng, Mỹ có thể thực thi mức thuế quan mới muộn hơn, vì thông thường chính quyền phải tuyên bố trước về thời gian có hiệu lực của biện pháp thuế quan mới.
Chuyên gia kinh tế Clayton Allen của Tập đoàn Height Capital cho rằng, Mỹ có thể thực thi mức thuế quan mới muộn hơn, thay vì ngay trong tháng 9
|
Ông Simon Lester, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách mậu dịch của think tank Cato Institute, Washington DC hôm 2/9 nói với hãng CNBC, việc Mỹ tuyên bố tăng thuế suất đối với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc được chia kỳ để tiến hành. Cho nên rất có thể kế hoạch tăng thuế 200 tỷ USD lần này cũng làm tương tự, ví dụ giai đoạn 1 chỉ thực hiện đối với 20 tỷ chẳng hạn…
Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn nhất của Mỹ. Năm 2017, họ đã xuất sang Mỹ 506 tỷ USD hàng hóa; chính phủ Donald Trump thực thi chính sách thuế quan mới là để “trừng phạt hành vi mậu dịch không công bằng của Trung Quốc, bao gồm việc lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ”.
Các đại biểu đàm phán cấp thứ trưởng hai nước tháng trước đã tiến hành gặp gỡ trực tiếp tại Washington, nhưng không đạt được tiến triển nào. Chính phủ Donald Trump tháng trước cũng tuyên bố một khoản trợ cấp 12 tỷ USD cho các nông dân bị ảnh hưởng do các hành động trả đũa của phía Trung Quốc đối với các nông sản Mỹ.
Vì sao Mỹ tiếp tục áp mức thuế tăng 25% đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc?
Nhà văn Mỹ gốc Hoa chuyên bình luận trên truyền hình – người nổi tiếng bởi thuyết “Trung Quốc sắp sụp đổ” – hôm 2/9 phát biểu với FoxNews, Tổng thống Donald Trump cần thiết phải tăng mức thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc. Ông nói: “Phải là 25% chứ không phải là thuế suất 10%; nguyên nhân bởi mỗi năm Trung Quốc lấy cắp hàng trăm tỷ USD bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Đây chỉ là vấn đề đánh thuế để bổ cứu; còn người Trung Quốc vẫn không chịu dừng lại. Rõ ràng, chúng ta cần phải gia tăng thuế quan”.
Chương Gia Đồn cho rằng, ông Donald Trump từng bày tỏ sẽ tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ (khoảng 500 tỷ USD), khả năng này có thể sẽ trở thành hiện thực.
Tiến sỹ Luật Chương Gia Đôn (Gordon G. Chang) chủ trương tiếp tục trừng phạt mạnh Trung Quốc , thậm chí có thể chấm dứt nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc
|
Tiến sỹ Chương nói thêm: “Nếu thuế quan không có tác dụng thì chúng ta cần phải sử dụng biện pháp mạnh hơn, cấm hẳn việc nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc”. Ông cho rằng, Trung Quốc cần phải chấm dứt hành vi đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và cảnh báo: việc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ảnh hưởng có tính phá hoại đối với nền kinh tế Mỹ. “Chúng ta cần phải ngăn chặn hành vi lấy cắp của Trung Quốc, vì chúng ta có nền kinh tế kiểu sáng tạo” – ông nói – “nếu chúng ta không thể thương mại hóa những sáng tạo đó thì chúng ta không thể có tăng trưởng kinh tế lớn hơn”.
Trước thông tin trên Nhân dân Nhật báo nói các công ty Mỹ, nhất là hãng Apple rất có thể bị sử dụng làm thứ để mặc cả trong cuộc Chiến tranh thương mại, ông Chương cho rằng: nguyên nhân thực sự của vấn đề của Apple là nó có chuỗi cung ứng rất khó di chuyển. “Đó là vì hãng hợp đồng chế tạo Foxcon đặt ở Trung Quốc. Foxcon và Apple phải cần có nhiều năm mới có thể di chuyển ra khỏi Trung Quốc đến nơi khác, Các công ty khác về cơ bản đều có thể hành động nhanh chóng. Cho nên sự đe dọa của Trung Quốc đối với các công ty khác là vô ích; còn đối với Apple thì đó là mối đe dọa thật sự”.
Trung Quốc muốn chơi chiến thuật kéo dài đến khi bầu cử giữa kỳ, liệu có tác dụng?
Hãng Bloomberg hôm 5/9 đưa tin, các nhà kinh tế cho rằng, trong vòng mấy tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 tới đây, Trung Quốc có thể sẽ áp dụng chiến thuật “ngồi yên chờ xem”.
Nhà kinh tế Trần Đỉnh ở Học viện Ramapo (Ramapo College of New Jersey) cho rằng, mặc dù hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đối kháng về chính trị, nhưng cả Thượng và Hạ nghị viện đều cho rằng chính phủ chưa dốc hết sức để giáng trả Bắc Kinh. Ví dụ như trong việc ông Donald Trump cho Công ty ZTE “sống lại” đã bị họ phê phán gay gắt. Trần Đỉnh viết: “Việc áp dụng những chính sách đối đầu mạnh mẽ hơn phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ; cho nên bất cứ sự thay đổi chính trị nào, dù là cục diện bầu cử cũng không thể làm thay đổi được điều này”.
Ngày 22/3, khi ông Donald Trump lần đầu tuyên bố áp đặt biện pháp gia tăng thuế suất đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu để trừng phạt cách làm lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của họ, ông Schumer, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng nghị viện khi phát biểu trước Thượng viện Mỹ đã nói công khai: “Tôi ủng hộ mạnh mẽ quyết định của ông ấy (Donald Trump); Tổng thống đã hoàn toàn đúng đắn khi có kế hoạch trừng phạt đối phó với vấn đề mậu dịch tồi tệ của Trung Quốc”.
Ông Steven Okun, Ủy viên Hội đồng quản trị Hội kinh doanh Mỹ cho rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc Chiến tranh thương mại với Trung Quốc
|
Ông Steven Okun, Ủy viên Hội đồng quản trị Hội kinh doanh Mỹ, Cố vấn cao cấp của Hãng luật McLarty Associates, hôm 3/9 phát biểu với CNBC, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì, dù là Đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội thì họ cũng sẽ chẳng có ảnh hưởng mấy đến chương trình của Tổng thống Donald Trump.
Ông nói: “Tổng thống có quyền lực nhất định trong vấn đề mậu dịch. Nếu muốn, ông ấy có thể tăng thuế linh phụ kiện xe hơi. Ông ấy có thể tăng thuế đối với 200 tỷ USD, rồi tăng thêm đối với 200 tỷ USD nữa để trừng phạt Trung Quốc”.
Nhập siêu mậu dịch của Mỹ gia tăng, các chuyên gia nói gì?
Tháng 7, cán cân thương mại Mỹ gia tăng nhập siêu sang tháng thứ hai, trong đó mức chênh lệch mậu dịch với Trung Quốc đạt mực kỷ lục. Tuy nhiên, một số nhà phân tích về kinh tế lại cho rằng, nhập siêu tăng phù hợp với dự đoán và cho thấy kinh tế Mỹ đang mạnh lên.
Số liệu do Bộ thương mại Mỹ công bố hôm 5/9 cho thấy, nhập siêu mậu dịch tháng 7 tăng 9,5% so với tháng 6, đạt tới 50,1 tỷ USD; xuất khẩu giảm 1%, còn 211,1 tỷ; chủ yếu là do các mặt hàng đậu tương và máy bay dân dụng giảm; xuất khẩu tháng 7 tăng 0,9%, đạt 261,2 tỷ USD. Đây là tháng thứ 2 mức nhập siêu tăng liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua.
Trong mậu dịch với Trung Quốc, sau khi nổ ra Chiến tranh thương mại, mức nhập siêu của Mỹ không giảm mà lại tăng mạnh tới 10%, đạt mức kỷ lục 36,8 tỷ USD. Nhập siêu của Mỹ với EU cũng đạt kỷ lục, tăng tới 50% so với tháng trước, đạt tới 17,6 tỷ USD; tuy nhiên mức nhập siêu với Mexico lại giảm từ 7,4 tỷ xuống 5,5 tỷ.
Các chuyên gia kinh tế bày tỏ, việc gia tăng nhập siêu là phù hợp với dự kiến. Ông Gary C. Hufbauer, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (Institute for International Economics) nói: “Ảnh hưởng của thuế quan chưa bộc lộ rõ trong số liệu tháng 7; nếu có ảnh hưởng thì sẽ thể hiện sau 3, 4 tháng nữa. Nền kinh tế Mỹ mạnh, đồng USD mạnh hơn các đồng tiền khác là một nguyên nhân khiến nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu”.
Ông Gary C. Hufbauer, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson: nhập siêu không nhất định là điều xấu, mà là thể hiện sự mạnh mẽ của kinh tế Mỹ và đồng USD.
|
Kỹ sư kinh tế cao cấp William Adams, Phó chủ tịch Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC (Financial Services Group Inc) cho rằng, chỉ số tiêu dùng trong nước của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2000. Ông nói: “Chu kỳ kinh tế trong nước đang ở thế thịnh vượng; tuy tăng thuế có làm tăng giá hàng nhập khẩu, nhưng nhu cầu trong nước hiện vẫn rất đầy đủ; các hãng nhập khẩu vẫn cần nhập hàng hóa Trung Quốc, việc kinh doanh của nhiều công ty tốt hơn dự tính, rất khó thay đổi kế hoạch và sách lược mua hàng của các công ty”.
Chuyên gia Chris Rupkey, nhà kinh tế hàng đầu của Tập đoàn tài chính Nhật Mitsubishi UFJ Financial Group, Inc nói với Reuters: “Mỹ vẫn chưa có được nền mậu dịch công bằng, điều đó có nghĩa là Tổng thống Donald Trump sẽ thực thi tăng thuế quan đối với 200 tỷ hàng Trung Quốc nhập khẩu”.
Ông Gary Hufbauer ở Institute for International Economics lại cho rằng biện pháp tăng thuế mới sẽ không được thực thi ngay. Ông nói: “Tôi dự đoán, ông Trump sẽ không đưa ra quyết định này (tăng thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu) trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 và ít nhất cũng không đến mức 25% và cũng không tới 200 tỷ USD vì diện liên quan lớn, mức thuế quá cao. Tôi cho rằng, nếu thực thi sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường tiền tệ Mỹ, Vì vậy, tôi cho rằng sẽ không thực hiện vào trước khi bầu cử; có lẽ vào tháng 12 hay tháng 1 sang năm, nhưng không phải là hiện nay”.
Một số nhà kinh tế cho rằng, nhập siêu mậu dịch là hiện trạng kinh tế của Mỹ, chính sách mậu dịch khó có thể thay đổi được. Ông Gary Hufbauer cho rằng, nhập siêu không nhất định là điều xấu, mà là thể hiện sự mạnh mẽ của kinh tế Mỹ và đồng USD.
Nhà kinh tế William Adams ở PNC dự tính, con số nhập siêu trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục mở rộng. Ông nói: “Đó là vì tài chính kích thích nhu cầu mở rộng chính sách, nhưng lượng hàng Mỹ sản xuất ra không nhanh được như nhu cầu. Chu kỳ kinh tế của Mỹ mạnh hơn các nước, nên nhập khẩu của Mỹ tăng nhanh hơn xuất khẩu; vả lại hối suất của đồng USD trong mấy tháng qua cũng đã tăng mạnh giá trị, những cái đó ảnh hưởng đến việc nhập siêu trong cán cân ngoại thương”. Ông cho biết, PNC cũng dự báo, dù cộng thêm nhân tố nhập siêu thì kinh tế Mỹ 6 tháng cuối năm cũng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng 3% hiện nay.