Đối tác của Apple cảnh báo nhu cầu điện thoại thông minh sẽ tiếp tục giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty Murata tin rằng doanh số bán điện thoại thông minh trong năm nay giảm xuống còn 160 triệu máy và đà giảm sẽ tiếp tục vào năm sau.
Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Triển vọng của các nhà sản xuất điện thoại đã giảm đáng kể. Hiện tại thị trường đang mong đợi sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc sau khi kết thúc các chiến dịch phong tỏa Covid-19 ở các thành phố lớn. Chủ tịch công ty Murata, ông Norio Nakajima nói với Bloomberg News trong một cuộc phỏng vấn rằng người tiêu dùng trên thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới đã dần thay đổi thói quen mua hàng và Murata nhận thấy không có nhiều sự phát triển trong ngành công nghệ di động vào năm tới.

“Động lực, nhu cầu mua hàng sẽ không quay trở lại trong năm tài chính 2022 và tình hình không mấy khả quan trong các quý tới,” ông Nakajima nói. “Nhu cầu đối với đồ điện tử tiêu dùng đã giảm mạnh.”

Công ty Murata có trụ sở tại Kyoto là trụ cột của ngành công nghiệp điện thoại thông minh, cung cấp các mô-đun và linh kiện điện tử cho iPhone của Apple Inc., thiết bị Android của Samsung Electronics Co. và các nhà sản xuất thiết bị hàng đầu của Trung Quốc. Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 20% trong năm nay do các khách hàng chủ chốt đã giảm số lượng các lô hàng, đặc biệt là ở Trung Quốc.

“Người tiêu dùng có thể sẵn sàng mua điện thoại mới ngay cả với những nâng cấp nhỏ nếu nền kinh tế đang ở trong tình trạng tốt hơn,” ông Nakajima nói, chỉ ra việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất là một yếu tố quan trọng. “Điều tôi lo sợ sẽ xảy ra là điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến và mọi người sẽ đợi lâu hơn nữa trước khi nâng cấp”.

Theo ước tính của Murata, thị trường thiết bị cầm tay toàn cầu là 1,36 tỉ chiếc trong năm tài chính trước. Tuy nhiên, trong năm nay con số đó có thể không vượt 1,2 tỉ, Nakajima cho biết. Rủi ro lớn nhất là doanh số bán hàng ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc tiếp tục sụt giảm.

"Các nhà sản xuất Trung Quốc đẩy mạnh bán ra bên ngoài sân nhà của họ, nhưng do nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, người dùng ở nhiều khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ, bắt đầu tránh điện thoại Trung Quốc," ông Nakajima cho biết thêm.

Chủ tịch công ty Murata chỉ ra một chi tiết đáng chú ý. Trong khi thị trường nói chung suy thoái, nhu cầu đối với điện thoại cao cấp vẫn tiếp tục được duy trì. Song song đó, việc đồng yen yếu cũng giúp tập đoàn này thu được lợi nhuận tốt. 65% lượng linh kiện của Murata được sản xuất ở Nhật Bản, trong khi 90% doanh số bán ra tại nước ngoài.

“Đồng yen yếu mang lại cho chúng tôi cảm giác dễ thở hơn vì nó sẽ giúp thu nhập của chúng tôi có vẻ khả quan. Tuy nhiên điều này rất nguy hiểm, bởi tác động từ tỷ giá hối đoái đang che lấp việc vận hành nhà máy đang kém hiệu quả do nhu cầu suy yếu.”

Ông Nakajima cho biết chi phí năng lượng gia tăng do chiến tranh Nga-Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong dài hạn vì việc tăng giá là không khả thi đối với một số sản phẩm cạnh tranh.

Bên ngoài lĩnh vực người tiêu dùng, Murata đang nhận được nhu cầu mạnh mẽ từ các khách hàng xây dựng các trạm gốc không dây 5G, sau các khoản đầu tư lớn vào việc nâng cao năng lực mạng trên khắp châu Á. Ngành công nghiệp ô tô đang bùng nổ, phát triển xe điện cũng là một điểm sáng khác.

Ông Nakajima cho biết: “Các chip quản lý năng lượng là nút thắt cổ chai duy nhất trong sản xuất ô tô hiện nay và sự tắc nghẽn đó có thể sẽ biến mất vào đầu năm sau."

Theo Bloomberg