Đổi mới giảng dạy: thay độc thoại bằng đối thoại qua một tiết học cụ thể

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lối dạy học độc thoại mà sản phẩm đi kèm của nó là "văn mẫu" đã lỗi thời từ lâu ở nhiều nơi. Nó cần được thay thế bằng phương thức đối thoại: thầy cô thông qua đối thoại để giúp học sinh hình thành nên kiến thức và kỹ năng.
Đối thoại với học sinh trong môi trường lớp học phi truyền thống - Nguồn Hachium.com
Đối thoại với học sinh trong môi trường lớp học phi truyền thống - Nguồn Hachium.com

1. Đối thoại là một phương pháp dạy học kinh điển có một lịch sử vài ngàn năm và đã trở thành di sản chung của loài người. Tuy nhiên, nền giáo dục của chúng ta vẫn còn khá xa lạ với nó, nguyên nhân thì có nhiều, xin được bàn sau. Nhưng trước tiên để có ý niệm ban đầu, chúng ta hãy tiếp xúc với một tiết học cụ thể với tên gọi: Chúng ta nên sống thế nào?

*

- Ngô Tử Văn là một con người thế nào nhỉ (NTV- Chuyện chức phán sự đền Tản Viên)?

- NTV là người cương trực, khảng khái, cứng cỏi. Đó là một người trí thức không quản hiểm nguy, luôn hành đạo giúp đời ạ.

- Em có muốn theo cách sống dấn thân trừ bạo, vì cộng đồng mà hy sinh như ông ta không?

- Tất nhiên rồi ạ.

- Nhưng nếu em làm thế, có phải em đang “lo chuyện bao đồng”, làm người khác ỷ lại. Cuộc sống của họ thì họ phải tự có trách nhiệm chứ?

- Nếu nghĩ như thế thì là ích kỷ ạ.

- Khi một đứa trẻ bị ngã thì em nên để nó tự đứng dậy hay bao giờ em cũng đỡ nó?

- Em nghĩ là nên để nó tự đứng dậy ạ.

- Tại sao?

- Vì như thế nó sẽ nhanh biết đi hơn và cũng sẽ học được cách đi đứng cẩn thận. Bằng không, nó sẽ dựa dẫm mãi mà không tự lập được ạ.

- Và bây giờ em có muốn làm Ngô Tử Văn nữa không?

- không ạ.

*

- Tại sao em mang mắt kính vậy?

- Em bị cận, thưa thầy.

- Em đã tự làm cặp mắt kính đó ư?

- Không, là em mua. Người khác làm ạ.

- Tại sao em không tự làm?

- Vì em không biết làm (cười).

- Còn quần áo, chiếc nơ trên đầu?

- Cũng là người khác làm ạ.

- Em tự cắt tóc ư?

- Dạ không, người ta cắt cho em.

- Em có thấy mình mắc nợ họ không?

- (ngập ngừng) Nhưng em trả tiền mà thầy!

- Nếu em có tiền trong túi, em đói, và trưa nay em đi ăn nhưng em tìm khắp Thị xã mà không có một tiệm cơm nào còn đồ ăn, em có thể ăn tiền ấy thay cho cơm được không?

- Tất nhiên là không ạ.

- Và nếu vô tình có người chỉ cho em một quán cơm trong hẻm nhỏ, quán cơm duy nhất, em có thấy hạnh phúc không?

- Có ạ.

- Em có thầm cảm ơn họ không.

- Tất nhiên là có ạ.

- Chúng ta mắc nợ cuộc sống này. Chúng ta không thể sống một mình. Thân thể này là cha mẹ ban cho, cha mẹ nuôi lớn; từ bộ quần áo ta mặc đến chiếc xe đạp ta đi đều do bàn tay người khác làm; hơi thở của ta do trời ban tặng, hạt gạo ta ăn do đất nuôi dưỡng… ta có cần biết ơn cha mẹ, xã hội và thiên nhiên không?

- Có ạ.

- Ta có cần có trách nhiệm với tất cả không?

- Có ạ.

- Vậy giờ các em có muốn làm Ngô Tử Văn nữa không?

- Muốn ạ (cười).

*

- Thưa thầy, nhưng hai quan điểm trên lại mâu thuẫn với nhau, thật khó dứt khoát ạ. Làm NTV thì chưa hẳn xã hội sẽ phát triển, vì nó triệt tiêu nỗ lực cá nhân của người khác và khiến họ trông chờ, ỷ lại; mà không làm NTV thì mình thành vô trách nhiệm…

- Sở thích của em là gì?

- Em thích nấu ăn ạ. Em muốn làm một đầu bếp nổi tiếng.

- Vậy thì em không cần phải đi đốt đền như NTV, ngọn lửa ấy quá lớn cho những món ăn (cười). Và chúng ta không cần phải bắt chước ai cả. Điều quan trọng là phải tìm thấy chính mình, phải xem mình thích điều gì và có sở trường nào. Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu khi làm công việc ấy ta được sống với đam mê của mình. Và chúng ta sẽ cống hiến cho cuộc đời bằng cách như thế – theo đuổi đam mê của mình. Nhưng nấu ăn thì nhớ không sử dụng chất cấm và không vứt rác bừa bãi nhé.

- Và phải phản đối những người làm điều ấy nữa, thưa thầy.

- Tốt lắm, đúng thế!

Hết giờ.

2. Phương pháp đối thoại với tư cách như là một khoa học để truy tìm chân lý đã được khai sinh bởi nhà triết học lừng danh Socrates cách đây hơn hai ngàn năm. Và đến bây giờ nó vẫn còn nguyên giá trị, nhất là giá trị với nền giáo dục Việt Nam vốn đã duy trì quá lâu một hình thức độc thoại cũ kỹ.

Phương pháp này, hiểu một cách giản dị, sơ lược là cách đặt câu hỏi để người học tự mình tìm ra lẽ phải. Nghe thì rất giản dị đúng không, nhưng kỳ thực nó chứa đựng cả một tư tưởng rất sâu xa, tiến bộ: đặt niềm tin vào khả năng hiểu biết của con người. Bất cứ ai theo đuổi phương pháp này cũng phải mang trong mình không những tinh thần khai phóng mà còn cả các giá trị nhân văn, và đặc biệt là sự tôn trọng người học bằng cách trao quyền lại cho họ trên con đường đến với chân lý. Người thầy ở đó không phải để mang đến câu trả lời, ông ta chỉ giúp người học tư duy bằng cách tặng cho họ những câu hỏi. Không làm thay, không áp đặt, không giáo điều; lại càng không nhồi nhét, không “văn mẫu”, không đúc khuôn.

Nghệ thuật đặt câu hỏi, đó là toàn bộ “bí kíp” của phương pháp này. Các câu hỏi phải được đưa ra thành một hệ thống để người học “vỡ lẽ” ra bằng việc nhìn thấy sự ngờ ngệch, sai lầm mà trước đó họ vẫn tin rằng mình đúng. Cứ lần lượt như vậy, người được hỏi phải từng bước đối diện với một chuỗi truy vấn để bừng tỉnh dần về những ngộ nhận của bản thân.

Tất nhiên là nó không phải là các câu hỏi hình thức, lại càng không phải là những câu hỏi đánh đố. Nó giản dị nhưng câu trả lời cho câu hỏi phía sau sẽ phủ nhận chính câu trả lời của câu hỏi phía trước, nghĩa là người học trò trong hành trình đối thoại sẽ tự phủ nhận chính mình, từng bước một.

Người thầy sẽ không vì sốt ruột mà “giúp đỡ” học trò bằng cách trả lời hộ cho họ. Cứ như thế, từng bước một, chính người học sẽ tự mình giải đáp cho mình. Hỏi bao giờ cũng khó hơn trả lời! Chính vì thế, đối với phương pháp dạy học thú vị này, dường như cái đòi hỏi nghiêm khắc về tri thức và nghệ thuật dẫn dắt ở người dạy sẽ trở nên lớn hơn là những gì chúng ta đã nhìn thấy trong lối giáo dục hiện tại. Tóm lại là nó đòi hỏi người thầy phải giỏi hơn và không ngừng tự đào tạo.

Bài viết này không có tham vọng trình bày về phương pháp đối thoại như một thứ giáo trình, ở đây chúng tôi chỉ muốn chia sẻ về tinh thần của nó thông qua một ví dụ trực quan để người làm giáo dục lưu tâm và khởi sự cho một trong những lối giáo dục tích cực.

Cái giá phải trả cho một phương pháp giáo dục tiến bộ là rất lớn, tuy nhiên nó luôn xứng đáng để trả vì thành quả mà nó mang lại là những con người trưởng thành với ý thức tự do và tinh thần độc lập.