Ngày 13-8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn viết dòng trạng thái trên Fanpage của mình: "Vì có quá nhiều việc cần phải làm để cho giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thì đề nghị các thầy, các cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong những việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò."
Nhưng chấm dứt văn mẫu bắt đầu từ đâu, giải pháp và lộ trình như thế nào? Vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp, liên quan đến tư duy, cách tổ chức quản lý dạy học, và đặc biệt là "quyền lợi" của nhiều con người, tổ chức.
“Văn mẫu” đã thành “bệnh” của xã hội
Thế hệ chúng tôi, thời còn cắp sách đi học, hầu như không có “văn mẫu”. Mỗi khi trả bài tập làm văn, bạn nào viết hay, viết tốt, giàu cảm xúc đều được thầy cô biểu dương trước lớp và đọc cho mọi người cùng thưởng thức. Sau này, khi tốt nghiệp đại học ra trường, theo đuổi nghề dạy học, khái niệm “văn mẫu” cũng không có chỗ trong tư duy và hành động của chúng tôi và các lớp học sinh hồi ấy.
Nhưng rồi, đùng một cái, năm 1988, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc đó (gọi tắt là Bộ ĐH) ban hành bộ đề thi đại học kèm lời giải. GS Nguyễn Cảnh Toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ cảnh báo, đây là một giải pháp sai lầm lớn nhất mà Bộ ĐH đã triển khai. “Tôi là một trong những người đã cảnh báo: ra bộ đề thi thì sẽ dẫn tới học tủ. Và học tủ thì mất tính sáng tạo, học tủ thì không còn quá trình nỗ lực nữa rồi, nghĩa là anh chỉ nhớ lấy một cái tủ rồi làm theo cái hình mẫu ấy. Thế nhưng Bộ ĐH không nghe.”(*) Mặc dù bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, nhưng những người khởi xướng “bộ đề thi” không chịu tiếp thu, thậm chí họ còn bao biện: "cứ cho là học sinh sẽ học vẹt, nhưng với những em thuộc được kiến thức của cả bộ đề thì xứng đáng đỗ đại học!”.(**)
Và như một hiệu ứng đô mi nô từ “bộ đề thi” năm 1988, các lò luyện thi mọc lên như cỏ dại vây quanh các trường cấp 3, trường đại học. Các khối lớp khác trong bậc học phổ thông cũng lần lượt ăn theo. Bây giờ thì ngay lớp 1 đầu cấp, cũng đầy rẫy những tài liệu mẫu, văn mẫu mà cuốn nào nội dung cũng na ná như nhau.
Hơn ba mươi năm qua, chịu tác động của “bộ đề thi mẫu”, giáo dục đã cho ra đời bao thế hệ “văn mẫu”. Ảnh hưởng của nó sâu rộng đến mức, không lĩnh vực nào là không có bóng dáng của “văn mẫu”. Mẫu từng câu, từng văn bản. Mẫu cả trong những lĩnh vực lẽ ra phải rất khoa học, sáng tạo và nghiêm túc như luận văn tốt nghiệp, luận án nghiên cứu sinh, sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo tổng kết, đánh giá, v.v. Mẫu cả trong những bài phát biểu của lãnh đạo tại các cuộc hội nghị, hội thảo, v.v.
Sự sáo rỗng, cứng nhắc, vô hồn vô cảm (nhưng lại được dán mác “chuẩn) gặp nhiều nơi trong xã hội mà thực chất đấy là dối trá, lừa mị nhau – một căn bệnh trầm kha có một phần nguyên nhân sâu xa từ “văn mẫu”.
Chấm dứt “văn mẫu” không phải dễ
Không dễ vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức, tư duy của các thế hệ mấy chục năm qua trong đó có một bộ phận không nhỏ đội ngũ giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Sức ỳ, ỷ lại “mẫu” ở họ đang rất lớn, chẳng khác gì những hòn đá tảng cản trở sự thay đổi và phát triển.
Không dễ vì đây là mảnh đất màu mỡ, đem lại lợi ích, lợi nhuận cao cho những người biên soạn, cho các nhà xuất bản các loại sách đề thi, tài liệu tham khảo, cẩm nang ôn luyện và cả giáo án mẫu. Vì lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm, chắc chắn họ sẽ bày ra nhiều mưu lắm kế để đối phó. Ví như cấm "văn mẫu" thì sẽ có “dàn bài chi tiết”.
Không dễ vì cách dạy, cách ra đề, cách chấm thi bị đóng khung theo khuôn mẫu; học sinh buộc phải ôn luyện, làm bài gò theo mẫu đề thi được công bố trước mỗi kỳ thi vài ba tháng. Sự sáng tạo của cá nhân gần như bị triệt tiêu. Đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm 2021 là một thí dụ nóng hổi mà dư luận đã mổ xẻ rất kỹ trong thời gian vừa qua.
Không dễ vì thời đại 4.0, “văn mẫu” được hỗ trợ mạnh mẽ bởi công nghệ số, càng lan tỏa nhanh, rộng khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Hàng loạt website, trang mạng xã hội tự do, thoải mái quảng bá, trao đổi, mua bán văn mẫu, giáo án mẫu, sáng kiến kinh nghiệm,... Chỉ một cú lích chuột là có ngay thứ mình cần, kể cả bản thu hoạch, kiểm điểm sau mỗi đợt học tập chính trị, nghị quyết hay bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Còn nhớ, hơn 10 năm trước, ngành Giáo dục rộ lên phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Một phong trào với ý tưởng hay, mục đích tốt nhưng giải pháp thực hiện bất cập nên tiêu cực trong thi cử vẫn cứ diễn ra mà điển hình là mùa thi THPT Quốc gia năm 2018, còn bệnh thành tích thì dường như không hề thuyên giảm.
Hy vọng việc nhìn sâu vào căn nguyên và tính phức tạp của nạn "văn mẫu" trầm kha sẽ góp phần giúp cho cuộc chiến chống “văn mẫu” không rơi vào tình trạng "hò voi bắn súng sậy".
______________________________________________
(*)(**) https://tuoitre.vn/tu-bo-de-thi-ngot-ngat-515757.htm
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu