Học sinh Việt Nam đang học và thi cái gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc học cái gì, thi ra sao không những là biểu hiện ra bên ngoài của tư tưởng và tư duy giáo dục mà còn quyết định chất lượng của nền giáo dục ấy. Tìm hiểu về vấn đề trên, vì thế, sẽ giúp gợi ý những lối ra.
 Học sinh trả bài, ảnh Getty
Học sinh trả bài, ảnh Getty

Tôi chỉ lấy sách giáo khoa ngữ văn 12 để làm ví dụ nhằm trả lời cho câu hỏi nêu ra ở tiêu đề. Trong bộ sách này có 3 phân môn là Văn học, Làm văn và Tiếng Việt.

Trong ba phân môn ấy, nội dung thi trực tiếp gần như chỉ thuộc vào phần văn học, hai phân môn còn lại cũng được dạy và học nhưng là dưới tinh thần (tường minh hay hiển ngôn) là để phục vụ cho làm bài thi về văn học. Vấn đề là nó chẳng mấy khi được dùng tới, nếu không nói là gần như không bao giờ dùng tới. Lý do vì sao thì sẽ nói rõ ở phần dưới về cách dạy, học và thi.

Trong phần văn học, tất cả có 37 “tác phẩm”. Trong 37 tác phẩm này, chia theo thể loại thì gồm có thơ, tự sự (truyện, tiểu thuyết), kịch, nghị luận/chính luận; chia theo bộ phận thì gồm văn học Việt Nam và văn học nước ngoài; chia theo hướng tiếp cận thì có “học chính” và “đọc thêm”.

Học sinh thi tốt nghiệp và đại học những gì? Phần đọc thêm không thi, văn học nước ngoài không thi, thể loại nghị luận/chính luận không thi (trừ Tuyên ngôn độc lập). Còn lại gì? 12 tác phẩm (thơ, truyện, và “Tuyên ngôn độc lập”). Trong 12 tác phẩm này, có những bài rất hiếm khi có diễm phúc được đi vào đề thi, đến nỗi người ta gần như mặc định rằng nó không thi, ví dụ như “Những đứa con trong gia đình”.

Suốt 22 năm qua, 22 thế hệ học sinh Việt Nam đã thi quanh quẩn trong 12 tác phẩm này. Chưa hết, có những tác phẩm được lặp lại với tần số dày đặc từ năm này qua năm khác, đến nỗi có nhà văn đã phải thốt lên “Muôn thuở Vợ chồng A Phủ”.

Việc đoán đề, tủ đề vì thế, năm nào cũng rất rôm rả và trở thành hệ trọng sinh tử. Mười hai bài thơ và truyện, quần từ năm nay qua năm khác, hỏi tới hỏi lui, hỏi xuôi hỏi ngược, khai thác đến kiệt cùng, lặp lại đến nhàm chán.

Quanh đi quẩn lại, nếu không Vợ chồng A phủ thì Việt Bắc, không Việt Bắc thì Vợ nhặt, không Vợ nhặt thì Tây tiến… Mỗi tác phẩm ấy cũng chỉ có thể ra vài cái đề về nó, tập hợp tất cả lại sẽ có một “bộ đề”. Theo sau cái bộ đề ấy là những cuốn sách “cẩm nang”, “để học tốt” được gọi chung là “văn mẫu”.

Đến đây, toàn bộ việc học văn để thi cái kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh là ở trong cuốn sách văn mẫu ấy.

“Văn mẫu” về bản chất là loại sách “tham khảo”, tức chỉ “đọc cho biết”. Nhưng với lối dạy nhồi nhét, năng lực tạo lập văn bản của học sinh không thể hình thành và phát triển; lại dưới áp lực thành tích, việc học thuộc trở thành lựa chọn gần như tất yếu. Lúc này, vốn sẵn bảo bối trong tay là cuốn sách văn mẫu kia, học sinh như người chết đuối vớ được cọc, ngày đêm tụng niệm sao cho thuộc lòng mới thôi.

Tất nhiên, học thuộc lòng hết cả một cuốn văn rập khuôn, sáo rỗng, giáo điều và nhàm chán như thế không phải là việc dễ dàng với tất cả học sinh. Mà cái sự “học thuộc lòng” lại lắm oái oăm: vì không phải khi nào cũng hiểu và cần hiểu nên chữ “tác” có thể thành chữ “tộ”, nhớ lộn dòng trên xuống dòng dưới, ý nọ sang ý kia v.v.. Thế là chúng ta nhiều lúc phải đọc những bài văn “cười ra nước mắt”. Nó rối rắm hoặc ngô nghê hoặc “như nồi lẩu mắm”.

Học thuộc cũng có cái “đẳng cấp” của học thuộc, mà khổ nhất là “dân” các khối tự nhiên vốn không quen với “phương pháp” này. Các em trở nên kinh sợ môn văn (và các môn xã hội nói chung), và thi thì thường điểm thấp. Tuy là “học thuộc lòng” văn mẫu nhưng, vì thế, cũng có sự phân hóa rất rõ ràng trên phổ điểm. Tình hình này không phải chỉ diễn ra ở học sinh bình thường mà, một cách bản chất, cũng có mặt trong những “học sinh giỏi”, kể cả học sinh giỏi quốc gia.

Đến lượt mình, các nhà quản lý giáo dục sẽ dùng kết quả trên để đánh giá chất lượng của nền giáo dục nước nhà. Bản báo cáo, vì thế, về cơ bản, năm nào cũng sáng!

Tôi vừa vẽ lại chân dung của dạy và học trong nhà trường bằng vài nét cơ bản nhìn từ môn văn. Và chúng ta có thể hình dung và thấy được những điều bất thường, nếu không nói là kỳ dị trong giáo dục Việt Nam.

Nó là những gì? Toàn bộ sự phong phú của nền văn học Việt Nam và thế giới đã bị loại bỏ bằng cái cung cách thi và học này. Vì sao mà “loại bỏ”? Đáng ra, “thi gì học nấy” thì chúng ta lại đang “học gì thi nấy”. Thi về cảm nhận, về tư duy, về sáng tạo, về phản biện thì người ta sẽ học để phát triển đầu óc và cá tính; còn thi là sự lặp lại kiến thức thì người ta sẽ tìm cách học thuộc. Văn mẫu sinh ra.

Từ văn mẫu, vòng kim cô này quay lại thít vào đầu óc người học, khiến họ lệ thuộc và mất khả năng suy nghĩ, mất năng lực sử dụng tiếng Việt và tạo lập văn bản. Nó là một cái vòng tròn oan nghiệt, là một bi kịch không lối thoát.

Những gì đang diễn ra có thể thay đổi không? Rất khó, nếu ta còn muốn kiểm soát đầu óc con người bằng những cái đề thi nặng tính giáo điều và thiếu tính khoa học như mấy chục năm nay.

Chương trình mới (2018) có thể sẽ đi vào vết xe đổ của chương trình cũ nếu tư duy giáo dục và lối thi cử không có một cuộc cách mạng thật sự, dù cho sách giáo khoa có được biên soạn hoàn hảo tới đâu!

Thái Hạo