Toán học đã được ứng dụng từ lâu trong ngành Mỹ thuật trên thế giới |
Nên đưa Toán học vào trường Mỹ thuật
Có lẽ dễ thấy nhất là việc vẽ các biển quảng cáo trong thời kỳ chưa có máy in màu khổ lớn thì đương nhiên phải cần đến Toán học. Theo một hoạ sĩ đã từng tham gia công việc này, cách làm của họ là phóng hình ra những tấm tôn có kích thước 2 x 2 m rồi sau đó ghép lại trên giàn giáo. Tiếp sau công việc đó, những người đứng trên giàn giáo sẽ tiếp tục hiệu chỉnh theo sự chỉ đạo của một hoạ sĩ đứng quan sát từ xa cho tới khi đạt hiệu quả. Đây là công việc rất nguy hiểm và không thể có chuyện các hoạ sĩ đứng trên cao lùi ra để ngắm vì có thể bị ngã xuống.
Xem ra, đây là những kiến thức không quá khó, nhưng rất tiếc là trong chương trình đào tạo ngay cả tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng không có các học phần dành cho Toán học. Được biết, kể từ năm 1984, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã đưa môn Toán vào nội dung thi tuyển sinh, nhưng sau đó ít năm thì việc này đã bị bãi bỏ để quay lại với cách thức truyền thống, tức là tuyển sinh theo khối C cùng các môn thi chuyên ngành.
Lý giải về thực tế này, GS, hoạ sĩ Lê Huyên - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, mỹ thuật là một ngành nghệ thuật. Do đó, nếu đưa các kiến thức khoa học tự nhiên trong đó có Toán học vào chương trình thì sẽ làm khó cho nghệ thuật. Để khắc phục các thực tế tồn tại, cách làm tốt hơn là tăng cường sự hợp tác giữa các hoạ sĩ và nhà khoa học, trong đó có nhà Toán học.
Bình luận về phát biểu nói trên, một hoạ sĩ mỹ thuật công nghiệp đề nghị không nêu tên cho rằng, đó là cách trả lời hoàn toàn sai. Thực tế thì Mỹ thuật, nhất là mỹ thuật công nghiệp, thì rất cần Toán học vì ít nhất các hoạ sĩ, nhà điêu khắc cũng cần hiểu biết Toán học để phóng to và thu nhỏ các bức tranh, bức tượng cho công việc của mình. Không lẽ một việc đơn giản như thế lại phải cần sự trợ giúp của các nhà kỹ thuật chứ chưa nói đến những thứ khó hơn.
Theo nhà thiết kế Lương Minh Hoà – Giám đốc Học viện Thiết kế Hoa Lan, việc ứng dụng Toán học và Vật lý sẽ có tác dụng tốt cho những ai theo đuổi sự nghiệp Mỹ thuật nói chung chứ không riêng gì Mỹ thuật Công nghiệp mà không quá phụ thuộc vào năng khiếu của họ. Nếu được trang bị kiến thức Toán học, mọi người đều có thể từng bước vẽ mẫu người bằng các bước quy hình cơ bản.
Vẫn theo ông Lương Minh Hoà, quan niệm Mỹ thuật không liên quan đến Khoa học công nghệ trong đó có Toán học nay không còn đúng. Thực tế của nhiều ngành nghệ thuật trong đó có Mỹ thuật đã và đang không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Không chỉ với Mỹ thuật công nghiệp mà ngay cả Mỹ thuật sáng tác cũng rất cần toán học.
Một lần nữa, ông Hoà khẳng định lại quan điểm của mình là nếu có tư duy về Toán học ứng dụng thì những người có đam mê theo đuổi ngành Mỹ thuật sẽ không còn quá bị phụ thuộc vào yếu tố năng khiếu. Đây không phải là vấn đề mới mẻ gì vì ngay từ rất nhiều thế kỷ trước, danh hoạ Leonardo da Vinci đã đưa ra các lý thuyết rất có giá trị về ứng dụng Toán học trong mỹ thuật. Rất tiếc, nhiều thế hệ đi trước của ngành Mỹ thuật Việt Nam đã không thấm nhuần và phát huy các kiến thức kinh điển đó.
GS TS Tống Đình Quỳ - Chủ tịch Hội Ứng dụng Toán học Việt Nam đặt vấn đề, Toán học là rất cần thiết cho mọi ngành học và đương nhiên trong đó có Mỹ thuật, nhất là Mỹ thuật Công nghiệp. Tuy nhiên, để có được giáo trình Toán học cho Mỹ thuật thì các nhà Toán học ở các trường đại học phải được “đặt hàng” chứ không thể bê nguyên giáo trình có sẵn của mình sang dạy cho các trường mỹ thuật.
Chỉ cần vận dụng chương trình Toán học phổ thông là đủ
Vậy thì chương trình toán học cho ngành Mỹ thuật sẽ cần những nội dung gì? Trong những năm qua, các trường Mỹ thuật, đặc biệt là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã giảng dạy gì cho sinh viên? Theo tìm hiểu của người viết thì chỉ có môn học duy nhất là Luật xa - gần với giáo trình được hoạ sĩ Phạm Công Thành xây dựng cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, môn học này chỉ tập trung vào việc xây dựng các phối cảnh hình hoạ là chính chứ chưa thể là đủ cho các kiến thức Toán học cho Mỹ thuật.
Có một thực tế là nhiều họa sĩ đã quên mất Định lý Thales trong chương trình Toán học ở cấp phổ thông trung học. Về cơ bản, theo hoạ sĩ Vũ Hy Thiều – một chuyên gia thiết kế trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, các kiến thức Toán học của chương trình phổ thông là hoàn toàn đủ cho ngành Mỹ thuật. Rõ ràng, điều đó là không khó nhưng không hiểu sao các trường Mỹ thuật suốt nhiều năm qua chưa hề “đặt hàng” ai nghiên cứu để xây dựng giáo trình Toán học ứng dụng cho các ngành học của mình.
Trong khi còn chưa cập nhật các môn học về Khoa học và Công nghệ cho mình thì các trường Mỹ thuật đã không chậm chân so với các trường khác để có được chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng, chứng nhận đạt chuẩn của họ có thực sự là giá trị hay không khi trong các học trình của mình lại khuyết thiếu các kiến thức tối thiểu về Toán học và Vật lý mang đặc thù nghệ thuật?
Tác phẩm "Sự hình thành của chữ quốc ngữ" do nhà vật lý hạt nhân, TS Nguyễn Đình Đăng sáng tác |
Nên chăng, đã đến lúc và không thể chậm hơn, Toán học cho Mỹ thuật, nhất là với Mỹ thuật Công nghiệp phải là vấn đề được đặt ra một cách nghiêm túc cho việc đào tạo hoạ sĩ và nhà điêu khắc. Ít nhất, chúng ta có thể tranh thủ các nhà kỹ thuật là hoạ sĩ nghiệp dư. Chính các hoạ sĩ nghiệp dư này là người hiểu hơn ai hết cho việc ứng dụng Toán học và Vật lý cho những sáng tác nghệ thuật của chính mình.