Người thân góp tiền “cứu” bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thoát án tử
Chiều 2/5, phiên xử phúc thẩm đại án Oceanbank đã xuất hiện thông tin gây chú ý dư luận, đó là việc người thân của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nỗ lực khắc phục hậu quả nhằm “cứu” bị cáo này thoát án tử hình.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đối diện với 3 tội danh: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn và Tham ô chiếm đoạt tài sản. Do đó, bị cáo này đang đối diện với mức án nặng nhất trong bản án sơ thẩm là tử hình.
Theo cơ quan điều tra, bị cáo Sơn đã có hành vi tham ô 49 tỷ đồng (20% trong số 246 tỷ đồng thiệt hại tính theo tỷ lệ góp vốn của PVN vào Oceanbank). Nếu khắc phục được tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, tương ứng 37 tỷ đồng, bị cáo hy vọng có thể được giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Luật sư Trần Vũ Hải đã tiết lộ rằng gia đình bị cáo sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là người bạn thân của Nguyễn Xuân Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng, vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả. Và vị doanh nhân được nhắc đến là ông Nguyễn Trung Hà, diễn biến mới này đã khiến nhiều người theo dõi phiên tòa bất ngờ.
Chân dung doanh nhân Nguyễn Trung Hà
Mặc dù là doanh nhân có tiếng trên thương trường trong các lĩnh vực từ công nghệ, truyền thông đến chứng khoán … nhưng ông Nguyễn Trung Hà chỉ được báo chí nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây. Vị doanh nhân sinh năm 1962 là thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT, Ngân hàng ACB và có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào hơn 30 công ty tại Việt Nam.
Cụ thể, ông Hà tham gia sáng lập hoạch định chiến lược cho Tập đoàn FPT trong nhiều năm với vị trí Giám đốc tài chính từ 1988 – 1993. Từ năm 1994 đến năm 1997, ông Hà còn được biết đến là thành viên sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và giữ vị trí Giám đốc chi nhánh Hà Nội của ngân hàng này.
Kể từ năm 2007 đến nay, ông tham gia thành lập và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Thiên Việt (HOSE: TVS). Ông Nguyễn Trung Hà sở hữu 16.540.138 cổ phần của doanh nghiệp này, chiếm 28,58% vốn điều lệ (theo Báo cáo Quản trị năm 2017 của TVS).
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, TVS hiện đang cung cấp các dịch vụ tài chính như: Ngân hàng đầu tư (IB); Quản lý quỹ (TVAM); Hoạt động đầu tư; Dịch vụ chứng khoán; Nguồn vốn và kinh doanh tài chính; Phân tích. Trong đó, nghiệp vụ đầu tư đóng góp đại đa phần lợi nhuận trước thuế trong năm 2017, bên cạnh hoạt động Ngân hàng đầu tư (IB) với nhiều thương vụ tư vấn thành công.
Năm 2017, cùng với diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán, TVS ghi nhận Lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng trưởng 151% so với cùng kỳ; tổng giá trị tài sản đạt 1.613 tỷ đồng và vẫn đảm bảo những chỉ số trong giới hạn quy định an toàn cho ngành chứng khoán.
Theo các báo cáo của TVS, ông Hà cũng tham gia HĐQT và giữ chức vụ Chủ tịch tại nhiều công ty như: CTCP Carbon Việt Nam, CTCP Mô phỏng Họa đồ, CTCP phim Thiên Ngân, CTCP Truyền thông và giải trí Galaxy, CTCP Đầu tư tài chính bất động sản Tôgi, CTCP SkyFarm, Công ty TNHH bất động sản Hà Liên, Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Hồng Thủy. Nhiều công ty trong số đó đã gây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông.
Mặc dù vậy, tên tuổi của ông Nguyễn Trung Hà mới được truyền thông chú ý tới trong lần giúp đỡ người bạn thân thiết đang trong cảnh thanh danh và sự nghiệp sụp đổ.
Mới chỉ hoàn thành được một nửa điều kiện để giảm án?
Theo Viện kiểm sát (VKS), số tiền mà gia định bị cáo Sơn khắc phục là 37 tỷ đồng nhưng chưa có căn cứ xác định về việc hợp tác tích cực với cơ quan chức năng để có thể áp dụng khoản 3c Điều 40 – Bộ luật Hình sự 2015, giảm hình phạt cho bị cáo.
Trong những lời sau cùng tại phiên tòa ngày 2/5, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã gửi lời cảm ơn HĐXX đã có nhìn nhận xét xử nhân văn, cảm ơn VKS dù kiến nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm nhưng thể hiện được cách nhìn và có tình thương đặc biệt theo cảm nhận của bị cáo.
Sau ngày kết án sơ thẩm, bị cáo Sơn cho rằng đã thành khẩn khai báo và có tờ trình gửi VKS Cấp cao Hà Nội dù không rõ bản giải trình đấy đã đến VKS hay không nhưng xin được ghi nhận về việc thành khẩn.
Bị cáo Sơn cho biết: "Bị cáo đã không còn giấu diếm cho bất kỳ ai, khai báo cụ thể đưa cho ai, ngày tháng và tiền gì đối với khoản 269 tỷ đồng cũng như các đơn vị đưa tiền sau này. Bị cáo không còn gì hơn để trình bày, có một số thông tin nhạy cảm với xã hội nên chỉ trình bày với cơ quan cảnh sát điều tra".
Ông Sơn cũng cho rằng mình đã hy sinh gần như cả cuộc đời cho PVN, cống hiện cho anh em, bạn bè. Việc chi lãi ngoài hoàn toàn với mục đích để ngân hàng phát triển, không phải vẽ ra để gây thất thoát cho ngân hàng.
Bị cáo Sơn mong muốn HĐXX phán quyết để các bị cáo sớm quay lại xã hội, với riêng bị cáo có cơ hội được sống, tiếp tục làm việc có ích cho xã hội, đền bù cho thiệt hại đã gây ra.
Ông cũng cho biết đang bị tai biến động mạch vành và có thể đột tử bất cứ lúc nào; mong muốn kết án không chịu mức án tử hình để không phải chịu điều kiện giam giữ khắc nghiệt mà ông có thể không chịu đựng được trong thời gian tới.