Doanh nghiệp sẽ được xếp loại để quản lý thuế

 Việc đánh giá và phân loại doanh nghiệp được cơ quan thuế thực hiện theo kỳ, bằng hệ thống thông tin nghiệp vụ và hoàn toàn tự động, căn cứ trên các điều kiện quy định cụ thể ở Thông tư 204/2015/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ 6-2-2016.
Doanh nghiệp lỗ lũy kế vượt 50% vốn chủ sở hữu sẽ tự động xếp loại 3 về tuân thủ pháp luật. Ảnh minh họa: Sản xuất tại một nhà máy. Ảnh: Minh Tâm
Doanh nghiệp lỗ lũy kế vượt 50% vốn chủ sở hữu sẽ tự động xếp loại 3 về tuân thủ pháp luật. Ảnh minh họa: Sản xuất tại một nhà máy. Ảnh: Minh Tâm

Tổng cục Thuế sẽ bắt đầu phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro về tuân thủ pháp luật thuế để làm cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý về thuế; theo đó doanh nghiệp loại 1 (doanh nghiệp tuân thủ tốt) và loại 2 (doanh nghiệp tuân thủ trung bình) sẽ được thuận lợi hơn trong việc hoàn thuế, sử dụng hóa đơn v.v… so với các doanh nghiệp từ loại 3 (tuân thủ pháp luật thấp) trở xuống.

Đây là lần đầu tiên quy định về quản lý rủi ro trong ngành thuế với các tiêu chí cụ thể được công bố để cơ quan thực thi lẫn doanh nghiệp biết và tuân thủ.

Bảng phân loại về tuân thủ là một trong ba tiêu chí để cơ quan thuế xếp hạng doanh nghiệp về mức độ rủi ro làm cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý về thuế. Điều đó có nghĩa, dựa trên xếp hạng mức độ rủi ro (gồm 6 hạng, từ rủi ro rất thấp đến rủi ro rất cao), cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp quản lý với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lỗ lũy kế vượt 50% vốn chủ sở hữu tại thời điểm cơ quan thuế thực hiện đánh giá sẽ bị xếp vào nhóm đối tượng tuân thủ thấp và sẽ chịu hàng loạt biện pháp quản lý chặt từ cơ quan thuế.

Doanh nghiệp chưa kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế đầy đủ, đúng hạn ít nhất một phần ba số tờ khai trong vòng thời gian 12 tháng; hoặc doanh nghiệp có các kỳ kê khai âm về thuế giá trị gia tăng liên tục trên mức trung bình so với bình quân chung của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, ngành nghề hoặc bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nợ tiền chậm nộp, tiền phạt, phí, lệ phí hoặc các khoản thu.

Ngoài ra, doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm về hóa đơn cũng bị xếp loại tương tự.

Căn cứ vào bảng xếp hạng phản ánh mức độ rủi ro về thuế của từng doanh nghiệp mà ngành thuế sẽ có biện pháp quản lý phù hợp: có doanh nghiệp thuộc trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế; kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế; kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế; theo dõi thu nợ thuế và trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ được ưu tiên hay xem xét kỹ khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế, hoặc bắt buộc phải sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo chứ không được tự in, tự tạo hóa đơn v.v…

Theo TBKTSG