Doanh nghiệp nào sẽ có mức thưởng tết 2015 cao?

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, về sơ bộ, khối ngân hàng, dịch vụ tài chính có mức thưởng tết cao hơn các khối khác; khu vực sản xuất duy trì mức thưởng tết âm lịch từ 1-2 tháng lương là phổ biến.
Khối ngân hàng và dịch vụ tài chính được dự đoán có mức thưởng tết cao.
Khối ngân hàng và dịch vụ tài chính được dự đoán có mức thưởng tết cao.

Cũng theo ông Huân, mức thưởng Tết cụ thể chưa dự đoán được do các doanh nghiệp chưa công bố kết quả sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo khảo sát của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại 13.189 doanh nghiệp với hơn 2,5 triệu lao động thuộc 63 tỉnh, thành cho thấy, mức thưởng tết dành cho người lao động trung bình trên 5 triệu đồng/người, tăng 15% so với năm ngoái.

Ông Huân cho biết, năm 2015 là một năm khởi sắc với GDP tăng, giá trị sản xuất công nghiệp, tiền lương và thu nhập cơ bản ổn định, nhiều doanh nghiệp còn tăng. Trên nền sản xuất phục hồi có hiệu quả. Xu hướng doanh nghiệp sẽ thưởng tết Âm lịch tăng lên. Tuy nhiên, mức tiền thưởng sẽ dồn vào Tết Âm lịch hơn là dương lịch.

Tuy nhiên, ông Huân cũng đặc biệt lưu ý tình trạng doanh nghiệp thưởng tết âm lịch cho lao động bằng các sản phẩm khó tiêu thụ thì người sử dụng lao động cần suy nghĩ vì việc thưởng đó không có ý nghĩa. Trong trường hợp này, công đoàn cơ sở sát với doanh nghiệp phải có kiến nghị.

Dự báo ở tầm xa hơn, ông Huân cho biết thêm, tiền thưởng Tết sắp tới có thể sẽ vẫn tăng nhưng tiền thưởng Tết của năm tiếp sẽ khác do doanh nghiệp sẽ phải tăng chi chí từ năm 2016. Những doanh nghiệp nhỏ sẽ có khó khăn nhất định và phải tính toán chi phí, phải sử dụng lao động hợp lý đảm bảo được tiền lương, tiền thưởng.

Lý do này chủ yếu bắt nguồn từ chi phí doanh nghiệp sẽ tăng từ 1/1/2016 do mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm khoảng 250.000-400.000 đồng/vùng/tháng.

Cụ thể: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Để có mức dự báo con số cụ thể, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đôn đốc 63 địa phương khảo sát tình hình nợ lương, thưởng và kế hoạch thưởng tết âm lịch Bính Thân 2016.

Đặc biệt, bốn nhóm doanh nghiệp được chú trọng là Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.

Bộ Lao động cũng yêu cầu các địa phương tập trung tình hình nợ lương năm 2015 theo 4 nhóm dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ.

Nguyên nhân gây nợ lương cũng cần được phân tích rõ do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp khó khăn…..

Hàng năm, câu chuyện thưởng tết cũng đều là đề tài nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Lý do được giải thích do mức lương còn thấp nên người lao động rất trông chờ vào thưởng tết.

Lý do khác được Thứ trưởng Phạm Minh Huân phân tích do quan niệm về thưởng tết của người Việt Nam và các thông lệ quốc tế còn khác nhau.

“Việt Nam vẫn quan niệm người lao động đóng góp trong quá trình tăng trưởng, làm ra lợi nhuận của doanh nghiệp thì họ có quyền được hưởng một phần lợi nhuận. Còn quan niệm của quốc tế thì họ cho rằng trả công cho người lao động đúng theo cam kết trong hợp đồng rồi. Việc thưởng chỉ là thêm 1 phần và nằm trong chi phí chứ không trong hiệu quả. Còn lợi nhuận là việc của nhà đầu tưvốn.”, ông Huân nói.

Mức thưởng tết Ất Mùi 2015 cao nhất ở mức 482 triệu đồng và thấp nhất là 30.000 đồng. Nhóm các doanh nghiệp Nhà nước có mức tăng cao nhất là 7.000.000 đồng/người. Các doanh nghiệp FDI tăng khoảng 4,8 triệu đồng/người, doanh nghiệp dân doanh tăng khoảng 4,4 triệu đồng/người.

Theo Đầu tư