Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh minh họa |
Hội thảo bàn luận những giải pháp để doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trang bị kiến thức, tiềm lực… nhằm thích ứng, hội nhập với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới trước cuộc cách mạng này. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright, năm 2017, số lượng doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đăng ký thành lập mới là 4.275 doanh nghiệp, tăng 110,5% so với năm 2016, tổng số vốn đăng ký là 30.816 tỷ đồng, tăng 122,7%.
Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng tăng hơn 114% với 2.426 doanh nghiệp.
Qua khảo sát và phân tích cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có quy mô nhỏ và vừa, tức thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước áp lực cạnh tranh về vốn, đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị nguồn nhân lực…
Vì thế, cần có những chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm của vùng để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp từng bước phát triển bền vững. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nhấn mạnh, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật về luật kinh doanh, đặc biệt là những chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… để không vô tình vi phạm pháp luật, cũng như không bỏ lỡ những cơ hội được hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ… Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cũng cho rằng hiện nay chúng ta đang có sự nhầm lẫn trong khái niệm khởi nghiệp (start – up) và lập nghiệp.
Khởi nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo, đột phá, từ đó tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới hoặc chất lượng tốt hơn hẳn cái truyền thống.
Khởi nghiệp có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất, một mô hình kinh doanh mới, hoặc một loại công nghệ độc đáo mới… Khởi nghiệp thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, nguy cơ “sập tiệm” cao do đặc điểm thử nghiệm, bứt phá.
Trong khi đó lập nghiệp là gây dựng cơ nghiệp bằng cách lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể theo cách nhiều người đã làm trước đó. Do đó, chỉ có doanh nghiệp khởi nghiệp mới nằm trong diện được ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước để khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, cần cập nhật cả những thay đổi rất thường xuyên trong luật kinh doanh của nước nhập khẩu để tránh những tổn thất thương mại.
Thói quen xuề xòa, rộng rãi của người miền Tây sẽ rất dễ khiến bị thiệt hại trong các hợp đồng mua bán. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ đề cập tới những hạn chế, khó khăn của ĐBSCL như cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, logistics non trẻ, hoạt động đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất còn thấp… cộng với dân số giảm.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh so với các địa phương khác, đồng nghĩa với sự cạnh tranh phải khốc liệt hơn.
Chính vì thế, để tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp trong vùng phải chú trọng đến liên kết, hợp tác và nỗ lực đưa công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh. Theo ông Võ Hùng Dũng, chỉ có cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới có thể giúp doanh nghiệp ĐBSCLgiảm chi phí nhân công, tăng năng suất, đa dạng mẫu mã … từ đó tăng lợi nhuận, trong điều kiện toàn vùng ngày càng đối diện với những biến đổi khí hậu khắc nghiệt, khiến sản lượng nông – thủy sản giảm, đất đai canh tác giảm độ màu mỡ.
Công nghệ tự động còn giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng hàng hóa không đồng đều, không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng như GlobalGAP. Từ đó tự tin hướng tới ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các khách hàng lớn, với chất lượng được đảm bảo. Đồng quan điểm về tính cấp thiết phải liên kết, hợp tác và ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, Bộ Công Thương đề cập đến mô hình “Kinh tế chia sẻ”.
Theo ông Quang, đây là mô hình đang được các nước tiên tiến áp dụng thành công, bước đầu manh nha tại Việt Nam dù còn gặp nhiều tranh cãi, nhưng còn khá mới đối với các doanh nghiệp ĐBSCL. Ông Quang dẫn chứng các hình thức kinh doanh trên nền tảng ứng dụng công nghệ, hướng tới chia sẻ chi phí, gia tăng lợi nhuận như Grab, Uber, Trip me, Ahamove… hoặc các hình thức cho thuê chỗ ngồi trong văn phòng chung theo ngày với giá rất rẻ, khách hàng được sử dụng tất cả các đầu tư cơ bản như máy lạnh, wifi, máy chiếu, bảo vệ… "Đây là xu hướng thay đổi của nền kinh tế thế giới, dựa trên khái niệm Internet kết nối vạn vật (IoT), do đó doanh nghiệp nào chuyển đổi phương thức hoạt động theo mô hình này chắc chắn sẽ có sự hội nhập tốt” – Ông Quang nhấn mạnh.