Doanh nghiệp công nghệ số thêm sứ mệnh công nghiệp hoá đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Doanh nghiệp công nghệ số từ nay có thêm sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo ứng dụng số, chuyển đổi số, đó cũng là cách tăng năng suất lao động", theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành là nội dung quan trọng nhất trong phát triển kinh tế số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành là nội dung quan trọng nhất trong phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” - sự kiện lớn của ngành, đang diễn ra hôm nay (11/12), tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Mở đầu bài phát biểu, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông chúc mừng các doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhân ngày lễ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số (12/12). Theo Bộ trưởng, hiện có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có ngày vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số.

Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam – Làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỉ USD.

“Năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với sứ mệnh Make in Vietnam: Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, Làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, và hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nêu bật chủ đề của năm 2024 là: “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành là nội dung quan trọng nhất trong phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng khẳng định, việc này không của ai khác ngoài các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số, vì “chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành”.

vt_VIP Tour.jpg
"Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V.

Không Make in Vietnam thì không thể hùng cường thịnh vượng

Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Vietnam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển.

Dẫn thực tế triển khai của nhà mạng China Mobile của Trung Quốc, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực tế nhà mạng này chi tới 4 tỉ USD/năm để phát triển các ứng dụng, các Use Case cho các ngành công nghiệp. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020.

“Vậy thì, hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực” – Bộ trưởng kêu gọi.

Cũng theo Bộ trưởng, việc phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng tăng năng suất lao động thì nay, lời giải của cho vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành.

Năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực.

“Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường, thịnh vượng” – người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm.

Video Doanh nghiệp công nghệ số - Khát vọng Make in Vietnam (Nguồn: Bộ TT&TT)