Doanh nghiệp còn thăm dò?
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền Thông (TTTT) TP cho biết đến nay vẫn chưa có DN nào trên địa bàn đăng ký loại hình chữ ký số. “Chúng tôi có tiếp xúc một số DN thì thấy họ còn lăn tăn nhiều, chẳng hạn như là phí duy trì hàng năm đối với CKS của DN chẳng hạn, họ cho rằng chi phí như thế vẫn cao”, bà Trinh nói.
Đại diện Sở TTTT cũng cho rằng, hiện nay quy định mức phí duy trì CKS lần lượt là 990 ngàn/năm; 1,7 triệu/2 năm;… Tuy nhiên, nhiều DN nói việc phải mất phí duy trì CKS là hết sức vô lý. Sở TTTT đang tham mưu thành phố sẽ chi trả khoản chi phí duy trì này cho DN để khuyến khích các DN, cũng như cá nhân, đơn vị trên địa bàn sử dụng rộng rãi CKS.
Mặt khác, do CKS là hình thức mới đòi hỏi sự chấp nhận của xã hội. Vì vậy, Sở TTTT cũng đề nghị nên khuyến khích những giao dịch CKS giữa cơ quan hành chính và DN trước. Từ đó, các DN sẽ nhận thức được lợi ích để tự nguyện sử dụng dịch vụ này. Bên cạnh đó, để CKS được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng thì phải có chính sách tuyên truyền để người dân và DN hiểu được lợi ích của CKS. “Một khi mà họ không mặn mà thì đúng là chúng ta sẽ khó phát huy được hiệu quả về cải cách các dịch vụ công trực tuyến như hiện nay”, bà Trinh chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên, chị Đỗ Nguyễn Thanh Thanh, nhân viên công ty TMF Việt Nam Co.Ltd cho biết, là DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN, do đó TMF cũng rất quan tâm đến đăng ký cấp CKS. Tuy nhiên, theo chị Thanh, hiện nay ngay cả những việc làm hồ sơ bình thường vẫn còn chậm nên việc đăng ký CKS vẫn khiến tâm lý nhiều DN chưa mặn mà và còn đang dò xét tình hình. Thậm chí, đối với hướng dẫn thi hành thì hiện nay DN vẫn chịu cảnh đợi hết thông tư này đến thông tư kia nhưng chưa giải quyết được vấn đề, cũng như chưa có thông tin chi tiết.
Trong khi đó, anh Phạm Vũ Trường An, đại diện một DN về sản xuất bóng điện tiết kiệm năng lượng tại TPHCM cũng bày tỏ lo ngại: Không chỉ đối với CKS mà đối với con dấu DN thì cũng còn lo ngại về tính bảo mật của con dấu hay CKS. “Chúng tôi lo ngại là khi con dấu DN hay CKS bị giả mạo thì ai đứng ra bảo vệ pháp lý cho chúng tôi, vì như lúc trước đây thì có công an giải quyết, mất con dấu thì chỉ cần lên trình báo cơ quan công an giải quyết để họ chứng thực. Bây giờ phần bảo mật không có thì gần như DN phải chịu rủi ro về cái này”, anh An cho biết.
Giải thích về vấn đề này, bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, việc sử dụng CKS là giải pháp không chỉ thuận lợi cho các cơ quan hành chính mà cho cả DN, đồng thời phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên bà Minh cũng đề nghị cần quy định cùng sử dụng một CKS cho một cá nhân, hay tổ chức thì thuận tiện hơn.
Theo bà Minh, thời gian qua, DN đăng ký kinh doanh sử dụng CKS rất ít vì thực tế DN chỉ được hạn chế sử dụng trong một mảng đăng ký kinh doanh, trong khi lại không thể sử dụng chung cho các lĩnh vực hoạt động khác. Do đó, việc có một quy định chung DN đăng ký một CKS và được sử dụng trong tất cả giao dịch, hoạt động thì sẽ thuận lợi hơn.
“Tôi nghĩ nếu sử dụng được CKS thì sẽ rất là thuận lợi vì người ta có thể đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, đương nhiên là DN sẽ không phải đi lại nhiều; đối với cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không bị áp lực một số lượng lớn người tập trung đến làm thủ tục, giảm thời gian cho người đăng ký”, bà Minh nói.
Trong lĩnh vực hải quan, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cũng nhìn nhận, hiện nay CKS theo quy định của ngành thì được triển khai trên hệ thống thông quan điện tử tự động. DN khi làm các thủ tục liên quan có thể đăng ký và sử dụng CKS đối với hoạt động này.
Ông Nghiệp đánh giá đây là một bước cải cách rất quan trọng, nhưng khó khăn hiện nay mà ngành hải quan còn băn khoăn đối với CKS, theo ông Nghiệp là do có 5 cơ quan cùng có chức năng cung ứng CKS (Viettel, FPT, Bưu chính viễn thông,…), các CKS này khi cung cấp cho DN có thể chưa tương thích được với các phần mềm mà cơ quan hải quan đang thực hiện. Do đó, các cơ quan cung cấp CKS phải có trách nhiệm phối hợp cùng với Tổng Cục Hải quan để điều chỉnh kết nối hệ thống xử lý giúp cho phần mềm của cơ quan hải quan có thể tương thích và nhận diện được CKS của DN.
Cùng chung lo ngại như Sở TTTT, đại diện Cục Hải quan TPHCM cũng cho rằng, phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính bảo mật cho CKS khi cấp cho DN. Thứ hai là phải xác định người được cấp CKS phải đủ thẩm quyền về pháp lý. “Việc này để tránh trường hợp như trước đây khi yêu cầu các giám đốc DN, sau đó các vị này lại thoái thác giao cho trưởng phòng, trưởng phòng lại giao CKS cho nhân viên, do đó mà khi xảy ra vấn đề pháp lý thì sẽ nảy sinh vướng mắc”, ông Nghiệp cho biết.
Cơ quan hành chính “hồi hộp” chờ chữ ký số
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, hiện nay Sở đã đăng ký được 70 CKS và chuẩn bị trong tháng 8 năm nay sẽ tổ chức tập huấn, sau đó cấp cho hệ thống hành chính là các Sở ngành, quận/huyện trên địa bàn thành phố. Sở TTTT kỳ vọng việc thực hiện chữ ký số thay cho hình thức truyền thống là ký tên đóng dấu trên văn bản giấy sẽ giúp cải thiện nhiều vấn đề vốn tồn tại trước đây.
Vướng mắc chính hiện nay là về khâu thủ tục. “Đối với cơ quan hành chính thì khi đăng ký CKS và gửi đăng ký này về Ban Cơ yếu Chính phủ thì đòi hỏi là cán bộ đó phải có con dấu. Cái này theo tôi cũng cần phải linh động hơn”, bà Trinh cho biết, đồng thời lấy dẫn chứng rõ hơn: Chẳng hạn Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP khi đăng ký một CKS sẽ có thể nảy sinh trường hợp nhiều khi con dấu của ông trưởng phòng hay phó phòng sau đó luân chuyển sang một vị trí khác, nhưng lại vẫn giữ CKS, hoặc đã bị mất cắp thì cũng vướng mắc về mặt pháp lý.
Do đó, Phó Giám đốc Sở TTTT TP đề nghị, Ban Cơ yếu Chính phủ cần nghiên cứu về thủ tục CKS phải linh động hơn và trong các thủ tục này thì ưu tiên là nhanh gọn, hợp lý cho các tập thể, cá nhân có nhu cầu được cấp CKS.
“Về thủ tục, đầu tiên Ban Cơ yếu Chính phủ gửi mẫu thông tin chung của người có yêu cầu làm CKS. Dựa trên mẫu chung này thì Sở sẽ làm một văn bản gửi cho các Sở ngành, quận/huyện thống kê vào. Sau đó, khi các đơn vị gửi về rồi thì chúng tôi sẽ chuyển thông tin đó về lại Ban Cơ yếu Chính phủ. Lúc này, nếu Ban Cơ yếu xem xét thấy nếu có yêu cầu bổ sung thêm thông tin (nếu có) của một đăng ký nào đó thì yêu cầu bổ sung, sẽ bớt đi nhiều thời gian hơn”, bà Trinh gợi ý.
Theo bà Trinh, trong tháng 8 này, Sở TTTT TP sẽ tổ chức tập huấn cho các cơ quan hành chính trên địa bàn về áp dụng CKS để đến tháng 9 kịp triển khai chính thức. Trong đó, đợt đầu tiên TP sẽ triển khai thực hiện chữ ký số tại 16 Sở ngành và 24 quận/huyện.
Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cũng đặt nhiều kỳ vọng vào CKS. Theo ông Thạch, thực hiện CKS thì mới thực hiện được các giao dịch hoặc là liên thông đối với các lĩnh vực khác nhau giữa các Sở ngành. Chẳng hạn như với chi cục thuế thì nếu cung cấp được CKS thì lúc đó các hồ sơ thông qua mạng có giá trị thực hiện.